Thực ra mà nói thì đây chưa hẳn là sự bỏ bẵng một cách vô trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người dân trong mùa ớt chín. Trả lời của ông Nguyễn Văn Quang, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho hay, Công ty Tân Phú Quang (Quảng Nam)- đơn vị hợp đồng trồng ớt cũng đã tiến hành thu mua ớt của bà con với giá 4.000 đồng/kg, dưới mức cam kết 2.200 đồng/kg. Kèm theo là không thu lại những chi phí đã đầu tư ban đầu cho người dân. Đối với những thửa ruộng ớt mà người dân xoay xở bán được, công ty cũng không thu các chi phí đã tạm ứng và có phương án hỗ trợ thêm mỗi ha 10 triệu đồng.

Thông cảm, chia sẻ với người dân đã một nắng hai sương, cần mẫn trên các cánh đồng ớt cũng như những nỗi lo, bức xúc đang có, song theo chúng tôi, có lẽ cũng cần phải hiểu những khó khăn của doanh nghiệp trước sức ép của thị trường. Rủi ro là điều không thể tránh khỏi và có lẽ cũng không ai muốn khi thương lái từ phía Trung Quốc ngừng thu mua ớt chín. Trong khi đó, nhiều địa phương khác ở Thừa Thiên Huế nói riêng và một số tỉnh miền Trung nói chung cũng vào mùa ớt chín. Một thực tế khác cũng cần được trở lại ở đây là bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp tưởng như chắc, mà không hề chắc khi được xây dựng trên sự bị động và hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái, nhất là khi đó lại là những đối tác khó tin cậy. Có lẽ, cho đến bây giờ, đây mãi vẫn là những chi phí cơ hội không hề rẻ và vẫn còn chi phối rất nhiều và trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như đời sống của người nông dân.
Có một câu hỏi đặt ra là, ngoài sự tự xoay xở của người dân trong việc bán cho được lượng ớt chín đỏ đồng, còn cần phải làm gì để người dân không mất đi quá nhiều sức lực đã được đầu tư? Trao đổi về điều này, ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay, hiện trên địa bàn có khoảng 16 ha ớt ở diện này và người dân gần như đều hiểu, chấp nhận và chia sẻ rủi ro cũng doanh nghiệp. Nhiều hộ gia đình đã chủ động thu hoạch và phơi khô ớt khi được nắng để chế biến ớt bột và tiêu thụ dần.
Hẳn nhiên, giải pháp tạm thời vẫn hoàn giải pháp tạm thời. Câu chuyện về ớt, về lạc và dưa hấu, nhãn, vải... ế ẩm trên thị trường như đã có, đang có có lẽ vẫn còn là vấn đề mà ai cũng nhìn thấy, song vẫn chưa có câu trả lời hoặc một kế hoạch khả thi và hữu hiệu cho sự chủ động.
Hạnh Nhi