Di tích Hải Vân Quan

Hơn 42,3 tỷ đồng trùng tu di tích Hải Vân Quan

Hải Vân Quan thuộc địa giới hành chính của thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng). Ngày 14/4/2017, Hải Vân Quan được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia, hiện đang là điểm tham quan hấp dẫn của du khách. Di tích Hải Vân Quan đang trong tình trạng hoang phế, xuống cấp nghiêm trọng.

Dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng. Tổng kinh phí thực hiện dự án khoảng 42,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách của Thừa Thiên Huế 50% và TP. Đà Nẵng 50%; được tiến hành xây dựng trong 2 năm (2019- 2020).

Nội dung và quy mô đầu tư các hạng mục đáng chú ý: Tu bổ, phục hồi công trình Hải Vân Quan; công trình Thiên hạ đệ nhất hùng quan; các tường thành nhà Nguyễn; nhà Trú Sứ 3 gian, nhà Vũ Khố 3 gian; phục hồi tuyến bậc cấp từ Hải Vân Quan xuống phía nam; tuyến đường Thiên Lý từ Thiên hạ đệ nhất hùng quan đi Huế. Ngoài ra, tu bổ đoạn đường nối Hải Vân Quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan bằng đá xếp theo dấu tích nguyên gốc; tu bổ, phục hồi hệ thống tường chắn đất bằng đá, bậc cấp và nền xếp đá khu vực nhà Trú Sứ và nhà Vũ Khố; tu bổ chống xuống cấp 5 lô cốt; bia chiến thắng Đồn Nhất được điều chỉnh hướng và hình thức kiến trúc bia phù hợp cảnh quan, không gian kiến trúc… Đồng thời, tôn tạo cảnh quan xung quanh và xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ đón tiếp khách tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng tại khu vực này.

Theo ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế - đơn vị chủ đầu tư, việc bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích Hải Vân Quan có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển du lịch của Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. “Thống kê trung bình hằng năm có hàng trăm nghìn lượt khách dừng chân ở Hải Vân Quan cho thấy sức hấp dẫn của địa chỉ du lịch này. Sau khi Hải Vân Quan được phục hồi, tôn tạo, gắn với việc phát huy giá trị di tích thì sẽ trở thành điểm khai thác du lịch rất tốt. Đây cũng sẽ là điểm nhấn du lịch trên con đường di sản miền Trung và là biểu tượng của sự kết nối, hợp tác giữa hai địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế”- ông Võ Lê Nhật khẳng định.

Thẩm tra dự án này, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh hoàn toàn nhất trí với sự cần thiết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Đồng thời cho rằng, Hải Vân Quan là di tích cấp Quốc gia, do đó việc tu bổ, phục hồi di tích phải được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng cho ý kiến trước khi thực hiện dự án.

Cân nhắc khi làm kè chống sạt lở sông Hương

Dự án Kè chống sạt lở các đoạn xung yếu thuộc hệ thống sông Hương với mục tiêu ổn định lòng dẫn sông Hương và các nhánh sông thuộc hệ thống sông Hương, tăng khả năng thoát lũ cho lưu vực; đảm bảo an toàn tính mạng cho hàng trăm hộ dân sống dọc bờ sông Hương và hệ thống sông Hương; đảm bảo an toàn cho các tuyến giao thông và các công trình hạ tầng, di tích dọc bờ sông; bảo vệ khoảng 90 ha hoa màu và cây ăn quả. Đồng thời, tạo cảnh quan môi trường và hạn chế thiệt hại do lũ lụt gây ra trong các năm tiếp theo. Tổng chiều dài các tuyến kè khoảng 21.400m, với tổng mức đầu tư dự kiến gần 340 tỷ đồng, được thực hiện trong 4 năm. Có 10 đoạn xung yếu đi qua địa bàn TP. Huế, TX. Hương Trà, TX. Hương Thủy, huyện Phú Vang được đề xuất làm kè.

Đoạn kè sông Hương trước chùa Thiên Mụ

Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, việc xây kè gia cố dọc một số đoạn sông bị sạt lở là cần thiết để bảo vệ an toàn dân sinh, chống mất đất. Tuy nhiên, không cần thiết phải xây những bờ kè liên tục quá dài mà chỉ nên xây ở những đoạn xung yếu với chiều dài đảm bảo cần thiết. “Thực tế, mục đích của xây kè là hạn chế tác động trực tiếp của dòng chảy tác động thẳng góc với đường bờ, ngăn sạt lở sâu và mở rộng. Theo nguyên lý, một khi gia cố ở đoạn này thì sẽ tạo ra dòng phản ứng ngược, gây sạt lở ở những điểm khác lân cận mà chúng ta không thể liệu trước được, cho nên phải hết sức thận trọng”- ông Hùng quan ngại.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần thận trọng nghiên cứu trong xây dựng kè trên sông Hương để không làm mất vẻ tự nhiên của dòng sông. Quan trọng hơn là cần có những công trình nghiên cứu đánh giá tác động của dòng chảy dựa trên những nét đặc thù vốn có để có hướng xử lý phù hợp với dòng sông Hương, hướng đến một hệ thống du lịch bền vững để cư dân Huế và khách du lịch có thể hưởng thụ được tất cả các nguồn tài nguyên đang có sẵn của Huế.

Bổ sung 9 nhà vườn đặc trưng cần trùng tu

Tại kỳ họp, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, thống nhất danh mục 9 nhà vườn thuộc làng cổ Phước Tích (Phong Hòa, Phong Điền) tham gia hỗ trợ trùng tu năm 2019; tổng giá trị hỗ trợ trùng tu là 5,626 tỷ đồng (600-820 triệu đồng/nhà). Danh mục 9 nhà vườn này nằm trong danh sách 25 nhà vườn tham gia Đề án "Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng" đã được UBND tỉnh phê duyệt, đáp ứng các tiêu chí phân loại nhà vườn Huế đặc trưng, điều kiện được hỗ trợ kinh phí trùng tu và đã được Hội đồng đánh giá, thẩm định, phân loại đồng ý đưa vào danh sách tham gia hỗ trợ trùng tu.

Bài, ảnh: Thái Bình