Một ngôi nhà cổ ở Phước Tích

Giải quyết kịp thời

Theo báo cáo của UBND huyện Phong Điền, tổng số nhà vườn tại làng cổ Phước Tích tham gia đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” của tỉnh là 25 nhà. Năm 2017 - 2018, tỉnh đã triển khai trùng tu 11 căn nhà và năm 2019 này, UBND huyện tiếp tục đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ trùng tu 9 nhà với số tiền gần 6 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền nói: “Đây là những nhà rường cổ (loại I, loại II), đang trong tình trạng xuống cấp cần giải quyết kịp thời, nếu không sau này có tiền cũng khó khôi phục lại được. Vì vậy, chúng tôi mong muốn tỉnh quan tâm xem xét sớm để 9 ngôi nhà này được hỗ trợ trùng tu và như thế chỉ còn lại 5 nhà nữa nếu có kinh phí triển khai thì Phước Tích hoàn thành chỉ tiêu đề ra”.

UBND tỉnh đã lập đề án trình HĐND tỉnh xem xét tại kỳ họp bất thường diễn ra vào cuối tháng 4/2019 tới và hiện nay, Thường trực HĐND tỉnh đang giao cho Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh tiến hành thẩm tra để báo cáo Thường trực HĐND tỉnh sớm nhất.

Theo đánh giá của Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, không chỉ 9 nhà cổ đề xuất hỗ trợ trong năm 2019 này mà tất cả danh mục 25 nhà cổ đưa vào đề án trùng đều đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, điều kiện cần thiết, bởi đó là những ngôi nhà rường đặc trưng, có tuổi đời khá lớn, hầu hết đang trong tình trạng xuống cấp nên ban hoàn toàn nhất trí với đề xuất của UBND tỉnh dành nguồn lực trùng tu cho những ngôi nhà rường cổ ở làng Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền.

Người dân vui mừng

Trò chuyện với chúng tôi, chủ những căn nhà rường ở làng cổ Phước Tích đã và đang được xem xét hỗ trợ trùng tu đều phấn khởi trước việc tỉnh quan tâm, xem xét hỗ trợ để giúp họ giữ gìn được những ngôi nhà rường cổ quý hiếm này. Ông Trương Công Huấn, chủ nhà rường nói rằng: “Tỉnh, huyện rất quan tâm đến công tác trùng tu, tôn tạo nhà rường. Các năm trước những gia đình khác được làm, nay đến lượt gia đình mình thì còn gì vui bằng. Điều này không chỉ giúp chúng tôi ổn định nhà cửa, xây dựng làng quê ngày càng đẹp hơn mà còn góp phần gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc”.

Ông Hồ Văn Thuyên, chủ một nhà rường cổ ở Phước Tích cũng là hộ gia đình đang được tỉnh xem xét cấp kinh phí sửa chữa nhà rường trong dịp này cho biết: “Có được nguồn kinh phí đó, chúng tôi sẽ sử dụng đúng mục đích, làm cho nhà rường đẹp hơn, góp phần bảo tồn hệ thống nhà rường cổ, nhất là giữ được ngôi làng cổ Phước Tích trường tồn theo thời gian”.

Ông Trần Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hòa chia sẻ: “Chúng tôi luôn đau đáu là làm sao giữ được ngôi làng cổ Phước Tích, bởi đây là một ngôi làng cổ hiếm có của Việt Nam, xếp thứ hai sau làng cổ Đường Lâm được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia. Việc tỉnh quan tâm đưa danh sách 25 ngôi nhà rường cổ và năm 2019 này sẽ có thêm 9 nhà rường cổ được tiến hành trùng tu, tôn tạo là điều hết sức cần thiết, qua đó, cho thấy tỉnh đã thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ ngôi làng cũng như gìn giữ di sản văn hóa. Chúng tôi mong việc trùng tu sớm triển khai thực hiện”.

Bài, ảnh: Gia Hân