Trò chuyện với Thừa Thiên Huế Online trong một dịp về Huế dự hội thảo liên quan đến việc nuôi dạy con tự lập, chuyên gia tâm lý, TS. Lý Thị Mai – Công ty Tâm lý học ứng dụng, chia sẻ:
Trước hết, khi nói đến tự lập ở trẻ em chúng ta phải nhìn lại bản thân mình, những bậc phụ huynh dù đã trải qua tuổi trưởng thành nhưng vẫn có nhiều người chưa có khả năng tự lập. Tự lập nói khác hơn đó là kỹ năng quý giá giúp cho mọi người có thể tự tin, thích nghi, hòa hợp với tất cả những nơi mà họ đến. Vì vậy, tự lập là đức tính rất quý giá.
Chuyên gia tâm lý, TS. Lý Thị Mai
Thưa bà, vậy để dạy con mình trở thành một người tự lập, các bậc phụ huynh cần cho mình những nền tảng gì?
Từ trước đến nay có lẽ có không ít gia đình nghĩ có suy nghĩ chung để con lớn mới bắt đầu dạy con tự lập. Nhưng thật ra không phải như thế, mà chúng ta có thể dạy trẻ ngay từ khi còn chập chững. Ví dụ, khi trẻ ở tuổi tập ăn, cha mẹ thường tận dụng sự giúp đỡ của ông bà, người giúp việc để làm thay chứ không để trẻ tự thao tác theo cách riêng của mình.
Khác với bố mẹ Việt, tôi đã quan sát rất nhiều cháu ở nước ngoài, họ được bố mẹ cho ngồi ghế riêng, tập cho trẻ tự dùng thìa để ăn, khi thành thạo có thể ngồi vào bàn ăn chung. Nói đến đây, để thấy tâm lý bố mẹ Việt chúng ta sợ con không tự ăn được, dẫn đến bị đói nên lo lắng. Thay vào đó, đút cho cháu ăn sẽ nhanh hơn, sạch sẽ hơn.
Điều đó vô tình tước đi quyền tự lập của trẻ trong sinh hoạt hàng ngày. Ông bà mình đã tổng kết rồi, đầu tiên là học ăn, rồi mới đến học nói. Vì thế, cần cho các cháu có những kĩ năng tự lập ấy càng sớm càng tốt. Muốn cho trẻ tự lập chúng ta phải thay đổi cách đặt nền tảng bằng cách thay đổi cách nhìn, cách nghĩ.
Nếu được chuẩn bị kỹ càng, những kỹ năng tự lập ấy sẽ giúp ích gì cho hành trang vào đời sau này các em?
Hiện nay có rất nhiều gia đình có điều kiện đã đưa con em mình đi nước ngoài học tập. Tôi cho rằng đây đây là điều thuận lợi, tuy nhiên chúng ta có điều kiện vật chất nhưng quên đi việc chuẩn bị ý thức tự lập cho con trước khi rời khỏi gia đình mà vẫn có thể sống tốt, hòa hợp với môi trường mới.
Vì vậy có nhiều em ngay từ nhỏ không tự phục vụ được bản thân mình bằng những công việc đơn giản như tự nấu ăn, giặt là… dẫn đến khi chuyển sang môi trường sống mới hoàn toàn sẽ rất ngỡ ngàng, thậm chí bị sốc phải quay trở về lại môi trường ban đầu.
Nói như vậy để biết, nếu một em được chuẩn bị được các kỹ năng tự lập ngay từ sớm sẽ có rất nhiều lợi thế. Có thể tự tin và thích nghi ở nhiều môi trường sống khác nhau, không chỉ cuộc sống bản thân mà xa hơn là câu chuyện hội nhập, văn hóa, ngoại ngữ.
Nói như vậy có nghĩa rằng, những gia đình có điều kiện mới có thể có cơ hội dạy con tự lập?
Tất nhiên là không. Đừng bao giờ nghĩ những gia đình nghèo khó con cái họ không học giỏi, không nên người. Ngược lại, ở các cuộc thi từ trong nước cho đến quốc tế đã chứng minh rằng, nhiều em đạt thành tích cao có hoàn cảnh khó khăn, đến từ những vùng miền xa xôi.
Chính trong môi trường nghèo khó đã giúp các em tự lập hơn. Đơn giản, các em phải tự lo cho chính mình ngay từ nhỏ, không có điều kiện như các bạn ở thành thị. Điều này cho thấy, dù khó khăn nhưng các bậc phụ huynh vẫn luôn quan tâm đến con em mình, vẫn có thể dạy con em mình phát triển, tự lập tốt.
Việc dạy con tự lập ngay từ nhỏ vô cùng quan trọng, đó là nền móng để phát triển sau này
Thời gian qua, có rất nhiều phụ huynh tìm đến những cuốn sách nói về dạy con của người Do Thái, Nhật Bản… Phải chăng cách dạy con của người Việt mình còn nhiều nhược điểm?
Tôi quan niệm mình phải học tập lẫn nhau, người ta hay tại sao mình không học? Dĩ nhiên ta cũng nên tránh cái không hay. Người Việt chúng ta cũng có truyền thống, bề dạy giáo dục con rất tốt, trên hết bằng tình yêu thương.
Việc đọc nhiều sách của các nền giáo dục khác nhau là tốt, chúng ta có thể chắt lọc được nhiều thông tin hay, và sẵn sàng loại bỏ cách dạy không thích hợp. Nhưng hãy nhớ rằng, chúng ta đừng quên mình là người Việt, tiếp thu tinh hoa nhưng phải biết áp dụng một cách tinh tế, phù hợp thì con cái chúng ta sẽ phát triển một cách hài hòa.
Bà nghĩ sao về cách dạy con của người Huế?
Thật ra cách giáo dục nào cũng có điểm mạnh và điểm yếu của nó. Thuở nhỏ tôi có người mẹ đỡ đầu là người Huế, bà đã dạy cho tôi những điều thanh tao, thanh lịch từ cách ăn, cách uống, nết đi, nết đứng, chào hỏi… Dù thời gian được ở gần bà rất ít, nhưng những gì bà dạy tôi có lẽ không bao giờ quên.
Trở lại vấn đề, tôi được biết nề nếp và gia giáo trong chuyện dạy con của người Huế rất nổi tiếng. Nghĩ về người Huế tôi nghĩ về sự lịch lãm, khuôn phép. Tuy nhiên cùng với nhịp sống hiện nay, sẽ có nhiều thay đổi, chuyển động. Điều đó khiến con người phải chuyển động theo. Ví dụ ngày xưa các bà các mẹ chỉ ở nhà lo việc nội trợ, nhưng bây giờ khác, họ đã tham gia vào công việc bên ngoài xã hội.
Đến thời điểm hiện tại, khi tôi tiếp xúc nhiều bạn trẻ ở Huế, thấy rằng họ cũng sôi động không kém các bạn trẻ ở những thành phố lớn khác. Hy vọng rằng người Huế vẫn giữ được nền tảng gia giáo, nhưng đồng thời năng động hơn cùng với xu hướng, nhịp sống hiện đại.
Cuối cùng, bà có thể chia sẻ cách dạy con giữa vấn nạn xâm hại, bạo hành xảy ra liên tục trong thời gian qua?
Hiện giờ người Á Đông nói chung và người Việt nói riêng rất ngại dạy con vấn đề giới tính. Cụ thể kĩ năng tự bảo vệ bản thân. Đơn giản ngay cả bậc làm cha làm mẹ vì tế nhị mà tránh né, đẩy việc này cho nhà trường.
Tôi khẳng định rằng, phụ huynh là người thầy đầu tiên cho con trẻ. Chúng ta có thể dạy con mọi điều nhưng tại sao không gọi tên và giải thích một cách cặn kẽ liên quan đến câu chuyện giới tính, xâm hại. Đã đến lúc, nhiều phụ huynh phải thay đổi cách nghĩ, phổ cập kiến thức để hiểu biết, lớn lên, đồng hành cùng con, giúp các con không tò mò, tránh xảy ra những rủi ro.
Sau cùng tôi đề nghị, dù bận gì thì bận, con cái là tài sản vô giá. Chính vì vậy phải nâng niu, gìn giữ, đồng thời rèn sự tự lập để các con dù sống môi trường nào cũng phát triển, hoàn thiện nhân cách.
Xin cảm ơn bà về buổi trò chuyện!
PHAN THÀNH (Thực hiện)