Lối trưng bày thế này chỉ làm rẻ sản phẩm dầu tràm (Ảnh chụp tại Lăng Cô - Phú Lộc)

Trước, dầu tràm này chủ yếu thấy được sử dụng cho sản phụ, em bé. Sau này, khi hóa chất nhiều loại bủa vây cuộc sống, dầu tràm với tính chất là tinh dầu chiết xuất từ cây tràm gió thiên nhiên trở nên được ưa chuộng, tin dùng. Nhất là khi đời sống phát triển, du lịch mở mang, dầu tràm đã lọt mắt xanh của du khách và vươn ra khỏi biên giới để đến với các gia đình ở nhiều quốc gia khác. Nhiều người dùng thấy “hạp” rồi ghiền, đến mức có ai đi Huế đều nhờ mang về cho một ít dầu tràm để dự trữ dùng dần. Các lò nấu dầu tràm cũng nhờ  đó mà đỏ lửa liên tục, tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho một bộ phận dân cư Phong Điền, Phú Lộc - 2 địa phương có nghề nấu dầu tràm chủ yếu của tỉnh.

Dọc Quốc lộ 1A qua 2 địa phương thủ phủ dầu tràm kể trên sẽ thấy có những đoạn dầu tràm trưng bày la liệt 2 bên đường với đủ cỡ đủ loại: Bịch to, bịch nhỏ, chai lớn, chai bé, chai thủy tinh, chai nhựa… Và hầu như chủ yếu đều được tận dụng từ các loại chai, bịch đựng dầu ăn hay nước suối sang. Hình ảnh đó quả tạo hiệu ứng thị giác tức thì, cho biết nơi đây có sản xuất/bán dầu tràm. Tuy nhiên, cái hiệu ứng thị giác đó cũng lập tức tạo cảm giác… tội nghiệp, hèn hèn và… mất an toàn thế nào. Người ta ước tính, phải 3 tạ nguyên liệu tràm gió khô mới có thể chiết xuất được 1 lít tinh dầu tràm. Giá dầu tràm cũng không hề rẻ, có doanh nghiệp thông báo giá bán 1 lọ 50ml 220.000đ, tức 4.400.000đ/lít, vậy lấy đâu ra mà mỗi điểm thấy cả hàng trăm chai, bịch từ loại 200ml cho chai 1l, 5l cứ chất chồng mặc nắng xoi, bụi bám?!! Nghe tốt, nghe quý, nhưng sao người ta trưng bày mênh mông, rẻ rúng đến vậy? Hệ quả là có không ít người đã dợm mua, nhưng thấy cảnh ấy lại không an tâm, sợ pha, sợ dỏm nên đánh xe đi thẳng (!)

Phải chăng đã đến lúc bà con ta phải chủ động thay đổi lại lối suy nghĩ trong trưng bày giới thiệu sản phẩm. Tạo hiệu ứng thị giác phải đi liền với làm sang trọng, tôn vinh sản phẩm để dầu tràm xứng tầm là đặc sản của vùng đất Cố đô. Ngành công thương và ngành văn hóa của các địa phương có lẽ cũng nên nhập cuộc hướng dẫn, giúp đỡ bà con trong “câu chuyện” này. Cần nhớ rằng cái thời “chặt to kho mặn” đã qua lâu, bây giờ là thời mà đa phần du khách và người tiêu dùng hướng tới những sản phẩm chất lượng, tinh túy và bắt mắt.

Bài, ảnh: Diên Thống