Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh với các thiếu nhi ở Huế năm 2000. Ảnh: Tư liệu Văn phòng Tỉnh ủy

Người con của quê hương Thừa Thiên Huế

Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Trung Thành, nhân viên Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Lộc (người trông coi, bảo vệ Nhà Văn hóa và Thư viện Đại tướng Lê Đức Anh tại thôn Nam, làng Bàn Môn, xã Lộc An và cũng là người cháu gọi Đại tướng Lê Đức Anh bằng chú) chia sẻ: “Cố nội tôi (ông Lê Chuân) với ông nội của Đại tướng Lê Đức Anh (ông Lê Thảng) là hai anh em ruột. Nhiệm vụ của tôi không chỉ bảo vệ Nhà Văn hóa và Thư viện Đại tướng mà luôn mở cửa để giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và quê hương của Đại tướng đến với người dân”.

Qua quyển sổ vàng lưu niệm tại Nhà Văn hóa và Thư viện Đại tướng Lê Đức Anh, chúng tôi vô cùng cảm kích trước những dòng lưu bút, thể hiện sự kính trọng của lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quốc hội; của cán bộ, đảng viên, các cháu thiếu niên, nhi đồng về những đóng góp của Đại tướng đối với cách mạng, với quê hương, đất nước.

“Đại tướng Lê Đức Anh đã có nhiều cống hiến xuất sắc cho cách mạng, cho dân tộc. Công lao to lớn của đồng chí, Quân đội, Nhân dân và Đảng ta mãi mãi trân trọng, học tập và phát huy”, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu bày tỏ như vậy trong một lần về thăm quê hương Đại tướng Lê Đức Anh. Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương cũng viết: “Các thế hệ trẻ, nhất là ở Phú Lộc nói riêng và cả nước nói chung noi gương người chiến sĩ cách mạng kiên trung, vị tướng lĩnh tài ba, nhà chính trị xuất sắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp cao cả: Bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường”.

Thôn Nam, làng Bàn Môn, xã Lộc An không chỉ có Nhà Văn hóa và Thư viện Đại tướng Lê Đức Anh mà còn có nhà thờ phái, nhà thờ ông bà, bố, mẹ của Đại tướng. “Năm 1985, Đại tướng về thăm quê. Sau khi đi thăm, thắp hương mộ phần bố mẹ mình, Đại tướng đi đến từng nhà, gặp gỡ bà con, người dân để hỏi thăm tình hình, cuộc sống. Mỗi lần về quê, Đại tướng bao giờ cũng tổ chức ăn cơm buổi trưa với bà con và gia đình rồi mới đi. Đại tướng rất thích ăn dâu Truồi, thanh trà và cá đầm Cầu Hai. Về quê nhà, Đại tướng luôn nhắc chúng tôi nấu cho một ấm chè Truồi và ra bến sông Truồi câu cá để nhớ lại tuổi thơ của mình. Năm 2013 là năm cuối cùng Đại tướng về thăm quê Lộc An”, ông Lê Chương (70 tuổi), người gọi Đại tướng Lê Đức Anh bằng bác xúc động kể.

Khắc ghi lời Đại tướng dặn

Phát huy truyền thống cách mạng, theo lời căn dặn của Đại tướng Lê Đức Anh, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân xã Lộc An nói riêng và huyện Phú Lộc nói chung luôn nỗ lực cố gắng không ngừng. Chủ  tịch UBND xã Lộc An Hồ Đắc Sự nhớ lại, cứ mỗi lần vào thăm quê, Đại tướng luôn hỏi về thế mạnh, điều kiện tự nhiên và nhắc nhở cán bộ địa phương phải biết tận dụng những thế mạnh để tập trung phát triển kinh tế.

Trong một buổi gặp gỡ thế hệ lãnh đạo trẻ của xã, Đại tướng nói: “Làm lãnh đạo là phải gần dân, giúp dân và lấy sự phát triển của địa phương làm mục tiêu. Dù quá trình thực hiện có những khó khăn, nhưng chỉ cần toàn thể cán bộ đoàn kết thì sẽ có cách để vượt qua. Những lời dạy đó của Đại tướng, cán bộ của xã luôn khắc nhớ để làm theo.

Ông Hồ Đắc Sự cũng cho hay, kinh tế xã Lộc An đang ngày càng đi lên. Thế mạnh của Lộc An là thương mại - dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng lên theo từng năm. Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư, nâng cấp đã làm thay đổi diện mạo nông thôn mới. Có được kết quả đó chính là nhờ sự đoàn kết, nhất trí cao của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân...

Mấy ngày nay, nghe tin Đại tướng Lê Đức Anh qua đời, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân xã Lộc An, huyện Phú Lộc đã và đang chỉnh trang lại Nhà Văn hóa và Thư viện Đại tướng để phục vụ cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân đến phúng viếng. Đó cũng là cách để thể hiện sự trân quý, lòng thành kính, biết ơn đối với Đại tướng Lê Đức Anh - người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên Huế.

Anh Phong – Đức Quang