Trời nóng nên các bãi biển luôn đông nghịt người

Dự báo quá tải

Những ngày qua, nhiệt độ tại Huế lên đến gần 40ºC, vì vậy, tắm biển được xem là cách giải nhiệt hiệu quả nhất được người dân và du khách lựa chọn. Ông Nguyễn Văn Giàu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An (Phú Vang) cho biết, vào cuối tháng 4, trung bình mỗi ngày Thuận An đón trên 10 ngàn lượt khách, riêng trong 2 ngày 20 và 21/4, có khoảng 35 ngàn lượt khách về tắm biển và thưởng thức ẩm thực.

Tại các bãi biển Cảnh Dương, Lộc Bình (Phú Lộc) cũng thu hút lượng khách “kỷ lục” về tắm và sử dụng các dịch vụ nơi đây trong những ngày vừa qua. Tại Cảnh Dương, liên tiếp đón những đoàn khách từ vài trăm đến 3.000 người về tham gia các trò chơi trên bãi biển và sử dụng dịch vụ ngủ trại qua đêm. Đối với khách lẻ, không chỉ có trong tỉnh chọn Cảnh Dương mà khách từ Đà Nẵng và Quảng Nam cũng đến vui chơi chiếm tỷ lệ khá lớn.

Các bãi tắm cộng đồng khác trên toàn tỉnh, như ở Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang… những ngày qua đều ghi nhận lượng khách về tắm biển rất lớn. Từ 15h chiều, các bãi biển đã đông người, kéo dài đến tối muộn. Anh Trần Việt Trung, trú phường Kim Long, TP. Huế chia sẻ, trời nắng nóng, phương án về biển được cả nhà lựa chọn. Về biển, thấy người sảng khoái hẳn. Nếu thời tiết nắng nóng còn kéo dài, có lẽ tần suất về biển sẽ tăng lên.

Khách đến tắm tại biển Thuận An

Sở Du lịch cho biết, những ngày qua chưa phải là cao điểm của mùa du lịch biển năm nay, mà dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới là thời điểm khách về biển nhiều nhất. Dự báo, các bãi tắm sẽ hoạt động hết công suất, riêng với Thuận An rất dễ xảy ra tình trạng quá tải.

Anh Trần Đình Minh Đức, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch cho hay, có hai dòng khách chọn biển sẽ tăng cao. Thứ nhất là, khách trong tỉnh, thời gian nghỉ lễ khá dài ngày, một số gia đình chọn đi du lịch xa, còn lại chọn nghỉ dưỡng và nghỉ ngơi ở các bãi biển trong tỉnh. Thứ hai là khách du lịch đến Huế chơi dịp Festival Nghề truyền thống cũng sẽ về biển để tắm biển, nhất là Thuận An vì khoảng cách khá gần.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, từ nay đến hết dịp lễ 30/4, 1/5 và Festival Nghề truyền thống Huế 2019, dự báo sẽ tiếp tục xảy ra nắng nóng trên toàn tỉnh, nhiệt độ giao động từ 35 - 39ºC. Do đó, du lịch biển hứa hẹn sẽ đón một lượng khách lớn trong tỉnh và khách du lịch.

Cần tuân thủ nội quy của bãi tắm

Ông Nguyễn Văn Giàu thông tin, UBND thị trấn Thuận An vừa có buổi làm việc với Ban quản lý bãi tắm, các nhà hàng để triển khai các phương án đón khách khi lượng khách về quá lớn vẫn có thể phục vụ tốt. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, tăng cường lực lượng cứu hộ, cứu nạn. Phối hợp với Công an huyện triển khai kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông, phân luồng khi khách về đông. Ngoài ra, yêu cầu ban quản lý bãi tắm tăng cường tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh về an toàn, trật tự, mất cắp tài sản, trẻ em thất lạc. Đồng thời, trong những ngày lễ, sẽ thường xuyên kiểm tra công tác niêm yết giá và đảm bảo an toàn thực phẩm của các nhà hàng.

Tại bãi tắm Cảnh Dương, nơi có cửa sông Bù Lu, nên việc đảm bảo an toàn cho khách luôn là nhiệm vụ quan trọng nhất. Ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) cho biết, vừa qua, tất cả các điểm nguy hiểm tại cửa sông và bãi biển Cảnh Dương được cắm bảng cấm và dùng dây khoanh vùng ở các điểm, nhất là tại khu vực cửa biển. Xã cũng yêu cầu Ban quản lý bãi tắm theo dõi sát và phải cảnh báo đối với các du khách đến gần các khu vực nguy hiểm.

Ông Lê Việt Phương, Phó Ban Công tác xã hội chăm sóc sức khỏe, Hội Chữ thập đỏ tỉnh khuyến cáo, khi thời tiết nắng nóng, du khách không nên vội vàng xuống tắm lúc còn mồ hôi mà cần khởi động kỹ từ cổ xuống đến chân, tránh khi tiếp xúc với nước lạnh sẽ sốc nhiệt, vì chênh lệch giữa dưới nước và không khí có thể lên đến 10 - 15ºC; lưu ý khi tắm cần có nhiều người, không nên tắm một mình, trẻ em phải có người lớn đi cùng. Hạn chế tắm biển vào lúc nắng nóng, nên tắm sau 16h30, lúc này trời đã dịu mát. Tuyệt đối không tắm ở các cửa biển, cửa sông. Nếu không may xảy ra đuối nước, người trên bờ không nên tự bơi ra cứu mà dùng dây và phao, ghe thuyền có sẵn để ra cứu, bởi nơi đây nước sâu, chảy xiết và xoáy, khi ra cứu rất dễ đuối nước theo.

Bài, ảnh: Đức Quang