Tại Thừa Thiên Huế, lũy kế tính đến ngày 31-5 vừa qua, số tiền nợ BHXH ở mức 136.587 triệu đồng, trong đó có 393 đơn vị, DN nợ từ 6 tháng trở lên (Nợ Bảo hiểm xã hội – Người lao động lãnh đủ. Thừa Thiên Huế online ngày 14-6). Báo cáo của UBND TP Huế trong buổi làm việc với đoàn giám sát Ban Văn hóa Xã hội (HĐND tỉnh) ngày 22/14 cho thấy, số nợ BHXH, bảo hiểm y tế bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp của các đơn vị trên địa bàn thành phố là 42,75 tỷ đồng (trong đó nợ bảo hiểm y tế chỉ bằng 1/10).

Ảnh hưởng của suy giảm kinh tế dẫn đến khó khăn chung là nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, dẫn đến tình trạng nợ BHXH là một thực tế. Bên cạnh đó, do chưa có một chế tài đủ mạnh, mức phạt cao nhất cũng không bằng lãi suất ngân hàng nên nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng để đục nước, chây ỳ và không thực hiện nghĩa vụ của mình. Các cơ quan BHXH ở nhiều địa phương cũng đã thực hiện việc kiện ra tòa đối với các doanh nghiệp nợ đọng kéo dài như một trong những biện pháp cứng rắn. Cơ quan BHXH Thừa Thiên Huế cũng đang tiến hành khởi kiện các doanh nghiệp nợ kéo dài từ 20 tháng trở lên, xong chưa ai có thể trả lời câu hỏi là bao giờ thực trạng này mới được giải quyết dứt điểm.
Ngoài những nỗ lực trong thời gian qua, cần công khai danh tính các doanh nghiệp nợ BHXH dây dưa và kéo dài; tiếp tục khởi kiện ra tòa và xây dựng một chế tài đủ mạnh hơn trong việc xử phạt nợ đọng ở lĩnh vực này. Điều quan trọng hơn là làm thế nào để người sử dụng lao động ý thức được trách nhiệm, tính nhân văn và trách nhiệm xã hội của họ với người lao động như một cam kết cho sự phát triển bền vững.
Hạnh Nhi