Cách nay hơn 100 năm, người Pháp phát hiện ra Bạch Mã và rồi, đã xây dựng nơi đây thành khu nghỉ dưỡng nổi tiếng của Việt Nam. Trên đỉnh núi có độ cao 1.450 m này có Vọng Hải Đài. Tôi nghĩ, tên gọi đã cho thấy cái thế “vọng cảnh” và “vọng biển” của 2 điểm cao rất đáng tự hào này của Huế.

Xung quanh kinh thành Huế có nhiều điểm cao, thậm chí cao hơn nhiều, như Bàu Hồ, Ngự Bình, núi Bân, đồi Thiên An… nhưng ngọn đồi chỉ cao 43m là Vọng Cảnh vẫn được chọn, bởi từ đây, có thể ngắm trọn phong cảnh thành phố Huế nên thơ. Mở ra trước mắt là bao la sông núi, đẹp tựa tranh vẽ. Hai bên bờ cây cối tốt tươi, những khu vườn cây ăn quả xen lẫn bóng thông, cùng với đền đài, lăng tẩm. Đặc biệt, đứng trên đồi Vọng Cảnh, du khách có thể nhìn bao quát và chiêm ngưỡng không gian thiên nhiên rộng lớn cũng như vẻ đẹp thơ mộng trữ tình của dòng Hương Giang.

Khó quên trong lòng bao du khách khi chinh phục Bạch Mã là ngôi nhà “Vọng Hải Đài”, có dáng dấp kiến trúc phương Tây. Nơi Vọng Hải Đài này, có thể ngắm tứ bề của Bạch Mã Sơn, cảnh núi non trùng điệp, xa xa là thành phố Huế ẩn hiện, rồi đầm Cầu Hai, vịnh Lăng Cô, hồ Truồi… Cảnh rừng, cảnh biển, cảnh đầm phá, cảnh những con đường ngoằn ngoèo như dải lụa trắng cuốn nhẹ trong gió, những nếp nhà nhỏ tí như những chấm nâu thấp thoáng giữa màu xanh trập trùng,.. tất cả như một bức tranh hoàn hảo nhất. Nhìn từ Vọng Hải Đài, Huế Cố đô rộng lớn, bao la hơn và được cộng hưởng thêm vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Bạch Mã.

Dịp Festival Nghề truyền thống 2017 Huế, một lễ hội khinh khí cầu được tổ chức và sự thành công của nó đã là lý do để một lễ hội tiếp theo diễn ra trong dịp Festival Nghề truyền thống Huế 2019 này vào cuối tháng 4. Quảng trường Ngọ Môn được chọn làm không gian chính của lễ hội với sự tham gia của 10 khinh khí cầu đến từ Nhật Bản, Hà Lan, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam. Và cũng cùng thời điểm, Hãng hàng không Hải Âu, chuyên khai thác dịch vụ thủy phi cơ sẽ khai trương chặng bay mới Đà Nẵng - Huế, bao gồm bay ngắm các điểm nổi tiếng của Huế và Đà Nẵng, trước khi hạ cánh xuống sân bay Phú Bài hoặc Đà Nẵng.

Người ta đã nói lễ hội khinh khí cầu đem tới làn gió mới, tô điểm cho bầu trời Huế, tạo nên bao điều thú vị cho những ai đến Huế vào dịp cuối tháng tư, đầu tháng năm này. Còn ngắm Huế bằng thủy phi cơ lại hứa hẹn sẽ là dịch vụ thường xuyên. Không chỉ tạo nên một cảm giác lạ, được bay sẽ đem đến một trải nghiệm ngắm nhìn mới mẻ với những điểm nhấn của Huế, như Đại Nội, Hoàng thành, sông Hương hay vùng đầm phá mênh mông.

Khó tìm một vùng đất có sự đa dạng về tự nhiên, địa hình và giàu bản sắc văn hóa như Huế. Cùng với các điểm cao nổi tiếng như đồi Vọng Cảnh và Vọng Hải đài Bạch Mã, lễ hội kinh khí cầu và bằng phương tiện thủy phi cơ là sự bổ sung tuyệt vời trong thưởng thức và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Huế từ trên cao. Ai đó đã nói rất hay rằng, ngắm Huế từ trên cao mới thấy hết vẻ đẹp hài hòa, tự nhiên của Cố đô, mới thấy hết tầm nhìn của người xưa hướng ra biển và hơn thế, mới thực sự hiểu được trọn vẹn lời bài hát “Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được…”

ĐÌNH NAM