Ông Hồ Văn Rãi, nguyên Bí thư cấp ủy Quận 1 thời kỳ kháng chiến (thứ 2 bên phải) hồi tưởng những ngày khởi đầu phong trào cách mạng ở vùng đất A Đeeng

Nơi khởi nguồn cách mạng

Tiếp chúng tôi, ông Hồ Văn Rãi ở xã Bắc Sơn, nguyên Bí thư cấp ủy Quận 1 thời kỳ kháng chiến, nhân chứng lịch sử từ khi phong trào cách mạng ở A Lưới được khởi nguồn tại thôn A Đeeng và lan rộng ra toàn huyện, kể lại: Phong trào cách mạng ở miền núi Thừa Thiên những năm 1956 - 1957 gặp vô vàn khó khăn, do sự khủng bố gắt gao của chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm với chiến dịch tố cộng khốc liệt và gom dân vào “ấp chiến lược” để cai quản. Chúng giết hại hàng trăm cán bộ, đảng viên, bắt giam hàng ngàn cán bộ kháng chiến và quần chúng yêu nước. Lực lượng cách mạng bị tổn thất nặng nề.

Lúc này ở miền núi Thừa Thiên, nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc đối với tiền tuyến miền Nam, Mỹ, ngụy tiến hành xây dựng đồn bốt công sự kiên cố đóng quân ở A Năm, A Co, A So… khắp thung lũng A Lưới để kìm kẹp đồng bào các dân tộc thiểu số, tách đồng bào ra khỏi cán bộ cách mạng nằm vùng. Chúng bắt dân làm đường, chặt cây làm đồn, dụ dỗ, mua chuộc đồng bào làm tay sai để tố cáo cán bộ cách mạng và khủng bố, tra tấn dã man nếu ai không nghe theo, gây bao nỗi oán thán trong đồng bào các dân tộc ở A Lưới.

Đến đầu năm 1958, được sự cho phép của Tỉnh ủy Thừa Thiên, Đảng ủy miền Tây Thừa Thiên khẩn trương chuẩn bị nội dung, cơ sở vật chất và chọn địa điểm tại làng A Đeeng Pâr Ruung, giáp ranh với Lào (thuộc xã Bắc Sơn ngày nay) để tổ chức hội nghị Diên Hồng nhằm phát động phong trào cách mạng ở A Lưới. Diễn ra trong thời gian 7 ngày, hội nghị Diên Hồng với chủ đề “Thương dân, yêu nước đứng lên làm cách mạng” đã quy tụ 150 già làng, trưởng bản các dân tộc miền núi Thừa Thiên tham dự. Ngay sau hội nghị, già làng từng nơi về truyền đạt lại cho bà con và được bà con nhiệt liệt hưởng ứng.

Ông Lê Anh Miêng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện A Lưới hồi tưởng: Cuối năm 1958, tất cả các xã miền núi bắt đầu có chi bộ Đảng và một số làng xung yếu đều có đảng viên. Chi bộ xã trực tiếp lãnh đạo về mọi mặt, đã tập hợp được lực lượng thanh niên, đoàn viên, sau này trở thành những thành viên nòng cốt như: liên lạc, canh gác, bảo vệ và dẫn đường cho cán bộ hoạt động bí mật. Khí thế và niềm tin của quần chúng được nhân lên tạo tiền đề cơ bản cho các cuộc đấu tranh tiếp theo. Nhờ đó, trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng bào huyện A Lưới có tới 8.296 người tham gia cách mạng, đi dân công vận tải đưa vũ khí, lương thực cùng các đoàn xe quân sự theo các con đường 71, 72, 73, 74 từ miền núi xuống đồng bằng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở khắp các chiến trường, góp sức cùng với cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân lịch sử 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhiều sản vật đặc sản như nếp than, thịt bò... của người dân xã Bắc Sơn được thị trường ưa chuộng

Ngày mới ở Bắc Sơn

Dẫn chúng tôi đi thăm và giới thiệu về những đổi thay trong đời sống đồng bào, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn Lê Văn Nghiếu cho hay, đến nay Bắc Sơn đã có 13/19 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới. Ngay khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, địa phương có chủ trương thực hiện các tiêu chí đạt chất lượng cao, lấy sự thay đổi trong đời sống người dân làm thước đo. Xã không chỉ dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước mà tăng cường huy động từ sức dân, ưu tiên lựa chọn đầu tư mở rộng các công trình đường giao thông, công tình phúc lợi, hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, hệ thống nước sạch, thủy lợi, nâng cấp xây dựng trường học... Nhờ đó, 309/309 hộ gia đình ở xã đã có đường bê tông từ đường liên thôn vào đến tận nhà.

Chị Hồ Thị Yến Ly ở thôn A Đeeng Par Lieng 2 phấn khởi kể: Đường sá thuận lợi nên sản phẩm bà con sản xuất được tư thương đến thu mua tận nhà. Hưởng ứng phong trào phát triển sản xuất nhằm đảm bảo tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới, gia đình chị Ly đã mạnh dạn vay vốn đầu tư chăn nuôi gia súc và trồng rừng, đến nay mỗi năm cho thu nhập hơn 120 triệu đồng nên gia đình đã có cuộc sống khá hơn.

Trưởng thôn A Đeeng Par Lieng 2 Lê Văn Khé thông tin thêm, qua việc tuyên truyền của xã, bà con nhận thức được quá trình hoàn thiện các tiêu chí về nông thôn mới chính là đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Vì vậy, bà con đã tự nguyện hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công để cùng chính quyền địa phương thực hiện các tiêu chí đạt chất lượng cao. Rất nhiều gia đình trong thôn tham gia hiến đất làm đường và công trình dân sinh, có hộ hiến cả hécta đất vườn như gia đình ông Quỳnh Rêh.

Từ khi phát động xây dựng nông thôn mới đến nay, nhiều gia đình ở Bắc Sơn đã chuyển từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang phát triển tiểu thủ công nghiệp. Bà con tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất gắn với phát triển các ngành nghề. Toàn xã có thêm 45 hộ phát triển sản xuất các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt theo hướng gia trại, trang trại, góp phần nâng cao thu nhập bình quân trong toàn xã đạt gần 20 triệu đồng/người/năm. Cùng với đó, các ban ngành, đoàn thể của xã luôn đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng sát thực, phù hợp nhằm vận động người dân tham gia, đóng góp nguồn lực với nhiều hình thức. Nhờ vậy, toàn xã đã huy động được gần 7 tỷ đồng đầu tư vào các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, Nhân dân đóng góp hàng ngàn ngày công lao động và hiến trên 5ha đất làm đường giao thông, công trình phúc lợi…

Bài, ảnh: BÁ TRÍ