Tuy nhiên trong 7 năm trở lại đây, nhiều ngư dân nơi đây đã thoát khỏi cảnh nợ nần, thậm chí giàu lên giàu lên nhờ chuyển đổi đối tượng nuôi trồng thủy sản. Điển hình là ở thôn 14 (xã Quảng Công) – nơi có trên 40 hộ tham gia nuôi trồng thủy sản nước lợ ở vùng hạ triều với diện tích 46 ha.

Anh Phan Việt Dũng – một ngư dân thôn 14 cho biết: Năm 2008 gia đình nợ ngân hàng trên 600 triệu đồng do dịch bệnh tôm nuôi kéo dài. Không như những hộ khác phải bỏ hồ do thua lỗ triền miên, anh đã tìm tòi thử nghiệm nên đưa con gì vào nuôi trên vùng nước lợ vừa không bị dịch bệnh, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Anh Dũng đang thu hoạch cá chẽm

Sau một vụ nuôi thử nghiệm mô hình cá chẽm, cá dìa trên diện tích 1.000m2, gia đình anh lãi ròng trên 35 triệu đồng. Đến nay, gia đình anh đưa vào thả nuôi 2 ha cá nâu, cá dìa, cá chẽm và cá hồng mỹ trên vùng hạ triều phá Tam Giang. Với phương thức thả nuôi gối vụ quanh năm và cả hình thức vượt lũ, sau khi trừ chi phí, mô hình này cho lãi ròng trên 200 triệu đồng/năm.

Từ khi chuyển đổi phương thức, đối tượng nuôi, tình hình dịch bệnh ở vật nuôi không còn, những loại cá đặc sản giá bán cũng được giá nên gia đình đã trả được nợ ngân hàng, xây nhà và cho con ăn học đến nơi đến chốn, anh Dũng nói.

Trong số 40 hộ nuôi cá nước lợ ở vùng hạ triều, bên cạnh hộ anh Phan Việt Dũng, có thể kể đến một số hộ khác như Nguyễn Hường, Phạm Trung, Phạm Thanh Việt…, đây là những hộ có diện tích nuôi khá lớn, từ 1,3 ha đến 2,5 ha.

Vừa cho đàn cá chẽm ăn, ông Hường cho biết: “Là địa phương có đầm phá rộng lớn, nếu không phát huy thế mạnh này thì phí lắm. Chính vì vậy tôi và các anh Dũng, Trung và Việt đã quyết định kiên trì chuyển đổi từ nuôi chuyên tôm sang nuôi chuyên cá, nuôi cá hỗn hợp. Mô hình này không chỉ giúp tui trả xong nợ ngân hàng vay từ thời kỳ nuôi tôm mà còn tích trữ được tiền tỷ trong tay”.

Công Cường