Trong khuôn viên Trường TH Thuận Hòa

Phấn đấu từ cơ sở

Năm học 2018 - 2019, Trường tiểu học (TH) Thuận Hòa, xã Hương Phong được công nhận ĐCQG. Thầy giáo Phan Ngọc Dũng, Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ: Hương Phong nằm ở vùng thấp trũng, là xã còn nhiều khó khăn của Hương Trà. Xác định nhiệm vụ xây dựng trường ĐCQG là mục tiêu quan trọng của nhà trường và địa phương, trường đã thành lập ban chỉ đạo, lập kế hoạch để đạt các tiêu chí trường chuẩn, khảo sát đánh giá toàn bộ chất lượng các công trình, từ đó có kế hoạch tham mưu với Phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND thị xã để đầu tư, xây dựng nâng cấp phòng học…

Với kinh phí hạn chế (đầu tư từ ngân sách Nhà nước khoảng 600 triệu đồng, nhà trường đối ứng 100 triệu đồng và huy động từ công tác xã hội hóa, ngày công của phụ huynh khoảng vài chục triệu đồng), công tác xây dựng cơ sở vật chất của trường được chia làm 2 giai đoạn. “Giai đoạn 1 (2015-2017), trường tạo cảnh quan môi trường bằng cách trồng cây xanh, làm bồn hoa, cây cảnh… Việc này, chúng tôi làm sớm do trường nằm ở vùng ngập mặn nên việc trồng cây khó hơn các nơi khác”, thầy Dũng nói.

Giai đoạn 2 (2017-2018), nhà trường đầu tư mạnh để nâng cấp 6 phòng học, làm tường rào xung quanh, san lấp mặt bằng tạo sân chơi cho học sinh… Bên cạnh những nỗ lực hoàn thiện tiêu chí về cơ sở vật chất, Trường TH Thuận Hòa đã tập trung đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh, ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hành và quản lý… “Tháng 12/2018, trường đã được tỉnh công nhận là trường chuẩn quốc gia (CQG). Đây là niềm vui, sự khích lệ rất lớn về mặt tinh thần đối với đội ngũ giáo viên và học sinh. Thời gian tới, tập thể nhà trường cố gắng giữ vững các tiêu chuẩn đã đạt theo quy định, thầy giáo Phan Ngọc Dũng cho hay.

Không riêng TH Thuận Hòa, các trường mầm non, TH, THCS, THPT trên địa bàn đang nỗ lực xây dựng trường ĐCQG. Đến nay, nhiều trường học ở Hương Trà đã xây dựng thư viện chuẩn, phòng học bộ môn, phòng truyền thống, nhà vệ sinh, nhà để xe, khu sân chơi, khu giáo dục thể chất và sử dụng có hiệu quả. Trong đó, tiêu chuẩn về chất lượng giáo dục, đội ngũ nhà giáo được các đơn vị đầu tư, nâng chất. Hiện nay, toàn ngành có trên 1.800 cán bộ, giáo viên, trong đó, có trên 1.300 giáo viên. 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, đảm bảo yêu cầu phục vụ dạy học cho hơn 20.300 học sinh trên địa bàn.

Thực hiện theo lộ trình

Với mục tiêu xây dựng trường học ĐCQG nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) những năm qua, thị xã Hương Trà đã thực hiện công tác này theo thứ tự ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm, không chạy theo thành tích mà lấy chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh đặt lên hàng đầu.

Theo bà Nguyễn Thị Huy, Phụ trách Phòng GD&ĐT Hương Trà, thị xã rất ưu tiên nguồn lực cho xây dựng trường chuẩn, nhưng cũng như các địa phương khác, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu kinh phí. Bà Huy chia sẻ: Trong điều kiện nguồn lực có hạn, nhưng nhờ có lộ trình xây dựng rõ ràng, cụ thể nên năm qua, công tác xây dựng trường chuẩn của Hương Trà vượt kế hoạch đề ra, với 7/7 trường được công nhận, cao nhất từ trước đến nay. Đến cuối năm 2018, thị xã 44/64 trường ĐCQG các cấp học, đạt gần 69%.

Để đạt được điều này, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa, các trường học đã thực hiện tốt quy chế chi tiêu nội bộ, sử dụng nguồn vốn ngân sách hiệu quả, tiết kiệm. Hàng năm, lãnh đạo thị xã cùng các phòng ban, các trường học cùng ngồi lại rà soát về cơ sở vật chất xem cần gì, cái gì cần sửa chữa khắc phục rồi mới phân nguồn ra để tính đến kinh phí. “Chúng tôi tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có, chỉ đặc biệt ưu tiên cho các trường trong lộ trình xây dựng trường ĐCQG nên việc đầu tư xây dựng, sửa chữa, mua sắm thiết bị có trọng tâm, trọng điểm, tránh được tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả trong sử dụng ngân sách”, Phụ trách Phòng GD&ĐT Hương Trà Nguyễn Thị Huy nói.

Bài, ảnh: Liên Minh