Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ thưởng thức triển lãm

Gửi ước vọng

Triển lãm chuyên đề này vừa được Bảo tàng Mỹ thuật Huế phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khai mạc chiều 25/4 (đến 1/5) tại Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị. Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đến dự và tham gia trải nghiệm.

Không gian trưng bày tranh dân gian giới thiệu 68 bức tranh tiêu biểu, được chọn lọc từ bộ sưu tập mỹ thuật dân gian truyền thống của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với nhiều dòng tranh dân gian nổi tiếng, như: Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống, Kim Hoàng (Hà Nội), tranh thờ Vũ Di (Vĩnh Phúc), Độc Lôi (Nghệ An). Trong đó có 28 bức tranh làng Sình của nghệ nhân dân gian Kỳ Hữu Phước. Mỗi dòng tranh có lối thể hiện riêng biệt nhưng đều mang đậm bản sắc dân tộc, thể hiện ước vọng ngàn đời của người dân về cuộc sống tốt đẹp, hòa bình, ấm no, hạnh phúc.

Tranh Đông Hồ phục vụ người dân lao động ở vùng nông thôn có vẻ đẹp mộc mạc, dân dã từ chất liệu, nội dung đến hình thức thể hiện. Nội dung, đề tài của tranh mang ý nghĩa tôn giáo, tâm linh, hay chúc tụng ngày tết, tranh sinh hoạt, tranh họa theo thơ, tranh châm biếm, như: Đại cát, nghinh xuân, vinh hoa, phú quý, gà đàn, lợn đàn...  Với bộ tranh tứ quý xuân, hạ, thu, đông có ý nghĩa cầu mong mùa màng tươi tốt, quanh năm no đủ, mỗi mùa được thể hiện bằng hình ảnh của chim chóc, hoa trái biểu trưng cho mùa.  

Bộ tranh "Tố nữ" thuộc tranh dân gian Hàng Trống

Tranh Hàng Trống chuyên phục vụ tầng lớp thị dân nên có sắc thái rất riêng. Màu sắc rực rỡ, nét vẽ tỉ mỉ mềm mại, tinh tế, thể hiện tâm lý ước mong, cầu phúc năm mới: Cá chép trông trăng, chim công, bà chúa Thượng ngàn... Bộ tranh thờ không thể thiếu trong các gia đình trước đây là chim côngcá chép với quan niệm chim công biểu tượng cho hạnh phúc và sự giàu sang, phồn vinh, cá chép tượng trưng cho sự vươn lên của con người. 

Bên cạnh đó là các tranh thờ Đạo giáo của dòng tranh Vũ Di và các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc và Nghệ An như: bộ tranh Thập điện, Quan âm nhị thánh, ngựa hồng, ngựa bạch...

Giàu sức sống

Đề tài được thể hiện nhiều trong triển lãm lần này là tranh sinh hoạt, phản ánh cuộc sống lao động, sản xuất của nhà nông: cảnh gieo mạ, cấy lúa ngoài đồng, mục đồng chăn trâu, thổi sáo, những phiên chợ quê... hay đề tài thờ cúng đậm nét tín ngưỡng, tâm linh nhưng mang ý nghĩa giáo dục nhân cách trong cuộc sống thường ngày.

Học sinh háo hức tham gia hoạt động trải nghiệm

Chính những đề tài thân thuộc ấy đã tạo cho tranh dân gian Việt Nam một chỗ đứng bền lâu trong lịch sử và truyền thống văn hóa của dân tộc, trở thành nét đặc sắc trong đời sống tinh thần của người Việt. TS. Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, tranh dân gian truyền thống có giá trị đặc sắc trong kho tàng nghệ thuật Việt Nam, vừa phản ánh đời sống tinh thần, vừa ng­ưng đọng những giá trị văn hoá phi vật thể vô cùng phong phú, đa dạng. Các dòng tranh được thể hiện qua nét khắc, vẽ tài hoa của người nghệ nhân, truyền tải ý nghĩa nhân văn, giá trị văn hóa đặc sắc của các vùng miền trong cả nước.

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, kho tàng tranh dân gian Việt Nam muôn màu muôn vẻ, thấm đẫm tâm hồn trong trẻo, chứa đựng tính nhân văn của người dân lao động. Các tác phẩm được thể hiện bằng khả năng khéo léo, sự cách điệu hóa và kỹ thuật điêu luyện của các nghệ nhân dân gian. Tất cả tạo nên diện mạo, ngôn ngữ nghệ thuật riêng biệt, giàu sức sống.

Triển lãm còn mang đến cho mọi người sự thú vị khi tổ chức các hoạt động trải nghiệm. Trong khuôn viên Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị, các em học sinh xúm xít  xếp hàng chờ được làm tranh dân gian. Sau khi được các nghệ nhân giới thiệu và hướng dẫn kỹ thuật in một số dòng tranh dân gian như tranh Đông Hồ, tranh làng Sình, tất cả các em nhỏ đều háo hức tham gia in tranh theo các mẫu bản khắc của tranh dân gian, tranh đồ họa.

Cầm trên tay bức tranh in chú mục đồng chăn trâu, Trần Hoàng Trang, học sinh lớp 5, Trường tiểu học Lê Lợi hào hứng: “Nhà em có vài bức Đông Hồ nên em không lạ lẫm với các dòng tranh dân gian. Tuy nhiên, triển lãm giúp em hiểu sâu hơn giá trị, ý nghĩa của các dòng tranh dân gian. Thật vui là sau khi xem triển lãm, em có thể tự tay in tranh Đông Hồ. Dù chưa đẹp nhưng em rất vui với trải nghiệm thú vị này”.

Bài, ảnh: Minh Hiền