Thực ra thông tin về sốt đất đã xuất hiện từ cuối năm 2017, đầu năm 2018 ở một số nơi như: Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Mũi Né (Phan Thiết), Đà Nẵng…. Nguyên nhân được các cơ quan quản lý chỉ ra là do một số nhà đầu tư lợi dụng thông tin về việc thành lập 3 đặc khu kinh tế (Phú Quốc, Vân Phong, Vân Đồn) và việc quy hoạch mở rộng đô thị, phát triển các công trình hạ tầng như sân bay, bến cảng, cầu đường… tại một số địa phương để thu gom đất, đẩy giá đất lên cao.

Như một hiệu ứng, không chỉ các địa phương có các quy hoạch, dự án lớn mà cơn sốt đất lan sang nhiều địa phương. Không chỉ các dự án đô thị, khu quy hoạch mà ngay cả đất xen ghép, căn hộ chung cư cũng được các nhà đầu tư săn lùng và giá leo thang từng ngày. Cứ thử tham gia một buổi đấu giá đất các khu quy hoạch chúng ta sẽ thấy “sức nóng” của thị trường bất động sản như thế nào. Số người tham gia đấu giá luôn gấp nhiều lần số lô được rao bán và luôn được bán cao hơn rất nhiều so với giá sàn. Theo một người quen hoạt động trong lĩnh vực này, đa phần người tham gia đấu giá là các nhà đầu tư. Họ có kinh nghiệm và “thủ thuật” nên dễ đấu trúng, còn người có nhu cầu thật khó cạnh tranh được. Không đâu xa, ngay như khu quy hoạch tôi ở ổn định nhiều năm nay, nhưng vài ngày lại thấy xuất hiện người hỏi mua đất. Khu đất đối diện mặt nhà tôi hơn năm trước được bán chưa tới 7 triệu đồng/m2, nay được trả 11 triệu đồng/m2 mà chủ đất mới vẫn chưa muốn bán. Điều này đủ thấy sức hấp dẫn của đầu cơ bất động sản như thế nào. Chẳng trách người ta đua nhau mua đất đầu cơ.

Xét trên bình diện rộng, việc thị trường bất động sản phục hồi và sôi động trở lại là điều đáng mừng khi nguồn lực đất đai được khai thác, đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, khi giá đất bị đẩy lên cao không đúng giá trị và nhu cầu thực sẽ làm kìm hãm sự phát triển. Đó là việc các nhà sản xuất, người tiêu dùng khó tiếp cận được tư liệu sản xuất quan trọng là đất đai. Việc đền bù giải tỏa các dự án phục vụ phát triển kinh tế, xã hội sẽ đội vốn và gặp khó khăn. Người có nhu cầu thực sẽ khó thực hiện giấc mơ an cư, lạc nghiệp.

Nhìn ở góc độ cung- cầu thị trường, nếu “cầu” nhiều, “cung” ít thì giá sẽ tăng cao. Nhưng điều đáng nói ở đây là “cầu” ảo và bị các nhà đầu cơ “thổi giá” tạo thành bong bóng bất động sản. Đã là bong bóng thì chuyện vỡ chỉ là sớm muộn và khi đó sẽ gây nhiều hệ lụy cho cả nhà đầu tư lẫn xã hội. Bài học vỡ bong bóng bất động sản những năm 2007-2008 chưa xa khi không ít doanh nghiệp, nhà đầu tư nợ nần, phá sản; các ngân hàng phải “ôm” các khoản nợ xấu, cả xã hội đối mặt với giá cả tăng vọt…

Để tránh xảy ra tình trạng bong bóng bất động sản thì cần “xả” kịp thời, đúng cách, với sự can thiệp của Nhà nước bằng các quy định pháp luật về đất đai, thuế và sự chỉ đạo, điều hành kịp thời của Chính phủ. Chẳng hạn, quy định thời hạn phải xây dựng công trình sau khi đấu giá trúng. Mà đã xây dựng thì phải đúng quy hoạch chứ không phải làm cho có để đối phó. Nếu quá thời gian quy định thì Nhà nước sẽ thu hồi và chỉ hoàn trả đúng khoản tiền đấu giá trúng. Khi đó chắc chắn các nhà đầu cơ chẳng dám mạo hiểm, ngăn được cơn sốt đất và cái lợi đem lại là nguồn lực đất đai được sử dụng đúng mục đích. Điều này cũng sẽ khắc phục được tình trạng nhiều khu đô thị sau hàng chục năm đầu tư vẫn không nên hình nên dáng, đất đai bị hoang hóa lãng phí.

Hoàng Minh