Giờ học ở Trường THPT Hương Vinh

Trước khi bắt đầu câu chuyện dạy và học, ông Trần Quang Trực, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hương Vinh dẫn chúng tôi tham quan hệ thống cammera được bố trí ở hành lang các dãy phòng học. Ông Trực bảo rằng, việc đầu tư cammera giúp môi trường giáo dục học đường càng được cải thiện. Những năm qua, tại một số địa phương, bạo lực học đường xảy ra như một vấn nạn nhưng ở Trường THPT Hương Vinh, tình trạng này không xảy ra mặc dù học sinh tại đây không chỉ ở Hương Vinh mà còn đến từ các địa phương khác, như Hương Phong, Hải Dương (TX. Hương Trà), Phú Bình, Hương Sơ (TP. Huế)…

Nhiều năm trước, Trường THPT Hương Vinh thiếu thốn đủ bề, cơ sở vật chất hầu như chẳng có gì. Nhưng thời điểm này, đến thăm trường, chúng tôi ấn tượng ngay từ con đường vào cổng với hệ thống cây xanh rợp bóng mát. Trường cũng đầu tư hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, nhiều dãy phòng học mới, khang trang được xây dựng khiến diện mạo của một địa chỉ giáo dục vùng ven ngày càng đổi thay. “Năm 2002, Trường THCS Hương Vinh được chuyển đổi thành Trường THPT Hương Vinh. Từ đó đến nay trường được đầu tư để nâng cao chất lượng dạy và học. Hiện có hơn 1.000 học sinh với 30 lớp học thuộc khối 10, 11, 12. Trường có 78 cán bộ, giáo viên, nhân viên phục vụ công tác giảng dạy”, ông Trần Quang Trực thông tin.

So với các trường THPT trên địa bàn và vùng lân cận, chuẩn đầu vào của Trường THPT Hương Vinh tương đối thấp, ngôi trường này cũng là nơi học tập của nhiều con em thuộc diện khó khăn. Nâng cao chất lượng dạy và học là điều mà lãnh đạo cũng như giáo viên ở đây nhiều năm trăn trở. “Các em đa số có điểm số không đủ vào các trường, như Trường THPT Đặng Huy Trứ hay các trường ở thành phố nên tìm đến đây để học tập. Vì vậy, điều chúng tôi chú trọng là quan tâm, động viên học sinh trong học tập cũng như rèn luyện kỹ năng sống, đặt chất lượng dạy học lên hàng đầu; tạo cho các em nhiều cơ hội hơn nữa trong quá trình học tập”, ông Trực chia sẻ.

Ngay từ đầu năm học, nhà trường giao cho các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch dạy học; giáo viên đăng ký kế hoạch bài dạy theo định hướng phẩm chất, năng lực học sinh. Việc dạy học cũng được lồng ghép với các hoạt động thực tế, trải nghiệm sáng tạo ở những địa điểm như, đầm Cầu Hai, biển Cảnh Dương, Nhà Lưu niệm Bác Hồ, Bảo tàng Hồ Chí Minh. Việc kiểm tra, đánh giá học sinh cũng được thực hiện theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.

“Công tác đổi mới phương pháp và hình thức dạy học giúp học sinh chủ động trong mỗi tiết học, thông qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, học sinh phát huy phẩm chất, năng lực của mình. Gắn trải nghiệm thực tế với công tác dạy học cũng giúp học sinh hứng thú, vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết một số tình huống trong thực tiễn cuộc sống. Chúng tôi đang tổ chức dạy học ngoại ngữ theo chương trình mới cho 3 lớp khối 10, 3 lớp khối  11 và 1 lớp khối 12. Các lớp học tiếng Anh thí điểm là lớp chọn, có đầu vào tương đối tốt nên đạt kết quả khả quan.”, ông Trực nói.

“Năm học tới, chúng tôi phấn đấu tỉ lệ học sinh khá, giỏi chiếm 65%; tỉ lệ tốt nghiệp THPT ngang mặt bằng chung của tỉnh trở lên; tỉ lệ học sinh đỗ đại học cao đẳng từ 72-75%. Ngoài vấn đề chuyên môn, nhà trường cũng hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất để trường đạt chuẩn quốc gia vào tháng 10/2019”, ông Trực cho biết.

Bài, ảnh: L. Thọ