ADB đang nỗ lực hành động nhằm giải quyết các thách thức tồn tại ở châu Á - Thái Bình Dương: Ảnh: ADB

Theo đó, chiến lược 2030 sẽ thúc đẩy cách tiếp cận của ADB trong việc giải quyết các thách thức của châu Á – Thái Bình Dương như vấn đề đô thị hóa và dịch chuyển nhân khẩu học ngày càng gia tăng. Ngoài ra, chiến lược cũng hỗ trợ hoàn thành các chương trình nghị sự phát triển chưa hoàn thiện về xóa đói giảm nghèo, giảm bất bình đẳng và thu hẹp khoảng cách cơ sở hạ tầng.

“Chiến lược 2030 đại diện cho một cột mốc quan trọng và tạo ra những kỳ vọng lớn. Đồng thời, các mục tiêu và định hướng chiến lược mới cần được triển khai thành kế hoạch hành động với mục tiêu rõ ràng và đầy tham vọng, kết hợp với tiến trình giám sát, đánh giá hiệu quả”, Giám đốc IED Marvin Taylor-Dormond cho hay.

Trong nội dung báo cáo thường niên có nhắc đến, tỷ lệ thành công, phát triển của các dự án và chương trình có chủ quyền của ADB đang dần được cải thiện. Kết quả khả quan nổi bật lên nhờ hiệu suất mạnh mẽ của các hoạt động trong giao thông, hạ tầng năng lượng và quản lý khu vực công cộng. Cụ thể, tỷ lệ thành công trong các hoạt động của ADB tại khu vực Nam Á, Đông Nam Á, cũng như ở Trung, Tây Á vẫn đảm bảo 77%, tăng đều trong các năm, tính từ năm 2000.

Một đánh giá khác cho thấy, các đóng góp đã được ngân hàng thực hiện để giảm nghèo và giải quyết vấn đề bất bình đẳng bằng cách đặt ra mục tiêu cơ sở hạ tầng đủ để đáp ứng nhu cầu của người nghèo. Thêm vào đó, những tiến bộ đạt được về bình đẳng giới đã và đang nhanh chóng được thúc đẩy, lồng ghép trong tất cả các hoạt động của ADB bằng cách hỗ trợ chuỗi nỗ lực của từng quốc gia nhằm kết hợp vấn đề giới trong mọi chính sách phát triển của đất nước, hoặc cải thiện cơ hội kinh tế cho phụ nữ trong mọi hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đến thời điểm hiện tại, tính bền vững của các dự án vẫn còn là tiêu chí đánh giá xếp hạng thấp nhất. Cùng lúc, thiếu kinh phí để vận hành, bảo trì cũng nổi bật lên như rào cản nghiêm trọng, cản trở các dự án cơ sở hạ tầng được ADB hỗ trợ có thể mang lại lợi ích cao nhất sau khi hoàn thiện.

Để khuyến khích tăng tính hiệu quả và kết quả tốt hơn cho các dự án của ADB, đặc biệt là trong bối cảnh phù hợp với nội dung chiến lược 2030, các khung hệ thống và kết quả cần được áp dụng càng sớm càng tốt, nhất là ở cấp quốc gia. Nhận định về vấn đề này, Giám đốc Marvin Taylor-Dormond khẳng định: “Quốc gia là đơn vị nghiên cứu trung tâm của Ngân hàng phát triển châu Á ADB trong chiến lược 2030. Do đó, tất cả các báo cáo kịp thời và đáng tin cậy ở cấp độ này cần được đảm bảo”.

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ Devdiscourse)