Mua xong sách, đến quầy thanh toán, nhân viên nhà sách đưa cho anh cái túi ni lông để đựng. Anh từ chối, vì từ lâu, anh đã có thói quen không sử dụng túi ni lông mỗi khi mua hàng.

Thế nhưng, nhân viên nhà sách nhất định không nhận lại cái túi và giải thích: Đây là quy định của nhà sách. Khách khi vào mua hàng  phải đựng trong túi ni lông để nhân viên “niêm phong” cùng phiếu thanh toán  trước khi ra khỏi nhà sách. “Ra khỏi nhà sách, anh vứt bỏ cái túi đi cũng không sao”, cô nhân viên thuyết phục.

Anh bạn đồng nghiệp của tôi bất đắc dĩ phải đem cuốn sách về nhà cùng cái túi ni lông và nỗi lòng nặng trĩu. “Ai cũng hiểu rõ là việc sử dụng túi ni lông rất có hại cho môi trường. Thế nhưng ngay ở nhà sách-một địa chỉ văn hóa-người ta lại buộc khách phải sử dựng túi ni lông dù họ đã từ chối là một nghịch lý”, anh bạn đồng nghiệp giải bày.

Tình huống trên diễn ra trong bối cảnh, tỉnh đang phát động phong trào ‘‘nói không với túi ni lông sử dụng 1 lần”. Theo đó, phong trào đặt ra nhiều mục tiêu như tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân về tác hại của túi ni lông. Xây dựng các tiêu chí để tôn vinh các đơn vị đạt danh hiệu “Thân thiện với môi trường”...

Chắc chắn, khi một cơ sở kinh doanh nào đó, chú tâm đầu tư cho chất lượng sản phẩm, với phương châm  thân thiện với môi trường, trong đó có việc “nói không với túi ni lông”, sẽ tạo được lòng tin, sự tín nhiệm của khách hàng.

Có thể việc sử dụng túi vải, túi giấy sẽ làm cho chi phí đầu tư vào sản phẩm cao hơn so với dùng túi ni lông, nhưng đó là sự đầu tư cho tương lai, cho sự phát triển. Khi ý thức người tiêu dùng được nâng cao, việc buộc khách hàng phải dùng túi ni lông như ở nhà sách nọ sẽ nhận điểm trừ về phương diện hình ảnh trong cảm nhận của khách hàng.

Nhật Nguyên