Những sắc thái 

Nếu khán giả kịp có mặt tại Nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại Nội) vào tối 29/4 và hòa mình cũng những điệu múa mặt nạ do các nghệ sĩ Hàn Quốc biểu diễn, thì đó chính là lúc đã trải nghiệm được một cơ hội không dễ gì có được. Bởi lẽ, đây là lần đầu tiên các nghệ sĩ Hàn Quốc giới thiệu vẻ đẹp của nghệ thuật múa mặt nạ trên sân khấu Việt Nam.

Trong khuôn khổ Festival Nghề truyền thống Huế 2019 và chương trình hợp tác giao lưu với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Đoàn nghệ thuật Woong Jin, thuộc Trung tâm Văn hóa và Nghệ thuật Chungnam, Hàn Quốc đã có buổi biểu diễn nghệ thuật múa mặt nạ tại Duyệt Thị Đường – nhà hát cổ xưa nhất Việt Nam còn tồn tại đến hôm nay.

Qua 45 phút biểu diễn, các nghệ sĩ đến từ xứ sở Kim chi thực sự đã tạo được ấn tượng tốt đẹp với những điệu múa vui nhộn, cùng tiết tấu âm nhạc sinh động, cuốn hút.

Biểu diễn gần gũi với khán giả

Tại Hàn Quốc, nghệ thuật múa mặt nạ được gọi là Talchum, trong đó “Tal” là đeo mặt nạ và “chum” là nhảy múa. Ra đời vào đầu thế kỷ thứ 7, nghệ thuật múa mặt nạ có liên quan mật thiết và được sử dụng trong các nghi lễ Phật giáo. Đây được coi là báu vật trong nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc bao gồm cả giá trị di sản văn hóa phi vật thể (âm nhạc, múa, biểu diễn mặt nạ) và di sản văn hóa vật thể (nhạc cụ, mặt nạ và trang phục).

Trong lịch sử Hàn Quốc, nghệ thuật múa mặt nạ được coi có ý nghĩa đặc biệt về ngoại giao, là cầu nối thương mại của Hàn Quốc đối với các nước khác. Nghệ thuật này đồng thời cũng được coi là di sản chung và là cái nôi nghệ thuật truyền thống của các đất nước, gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.

Tương truyền, vào thời Cao Ly, các vị thần lệnh cho một thợ thủ công ở làng Hahoe tên là Huh Chongkak tạo ra 12 chiếc mặt nạ gỗ khác nhau, với điều kiện đặc biệt là Huh Chongkak không được phép gặp mặt ai cho đến khi hoàn thành. Tuy nhiên, khi đang làm được nửa trên của chiếc mặt nạ cuối cùng mang tên Imae – Kẻ Ngốc, một cô gái thầm yêu anh đã lén nhìn trộm. Ngay lập tức, người thợ bị xuất huyết và chết. Những chiếc mặt nạ được làm ra đều gắn với một tích chuyện và một nhân vật, đại diện cho các tầng lớp và tính cách con người trong xã hội.

Một cảnh tương tác giữa nghệ sĩ và người xem

Có 12 nhân vật trong bộ mặt nạ Hahoe. Ngày nay, 9 chiếc mặt nạ vẫn được lưu giữ là: Yangban (quý tộc), Kaksi (người phụ nữ trẻ hay cô dâu), Chung (tu sĩ Phật giáo), Choraengi (người hầu của Yangban), Sonpi (học giả), Imae (người ngu ngốc và đầy tớ vô dụng của Sonpi), Bune (vợ lẽ), Baekjung (kẻ giết người) và Halmi (bà già).

Sau chiếc mặt nạ che giấu khuôn mặt thật, người múa có thể thỏa sức giãi bày cảm xúc hỷ, nộ, ái, ố… mà vì lý do nào đó, họ đã không thể thể hiện đúng bản chất trong cuộc sống thực. Chính nhờ sự hóa thân này, nghệ thuật múa mặt nạ khiến người múa, cũng như người xem có thể tìm thấy niềm vui đích thực trong cuộc sống.

Nhịp múa mặt nạ vui nhộn

Tin, ảnh, clip: Đồng Văn