Đường Lê Lợi có khá nhiều trụ sở cơ quan Nhà nước (Ảnh minh họa)

Khó có thể nói quyết định này là muộn hay không nhưng rõ ràng, có một nguồn lực rất lớn từ nhà và đất từ trước đến nay sử dụng chưa hiệu quả. Một hội chính trị - nghề nghiệp nằm trên đường Lê Lợi chỉ có vài “biên chế” đã chiếm giữ một khu đất rộng. Nhà nước lại phải bỏ ra kinh phí để xây dựng một ngôi nhà 3 tầng rộng cả hàng trăm m2.

Tương tự, một sở quản lý vài chục người làm việc trong một khu đất vàng rộng hàng trăm m2. Nếu như hoán đổi đến một vị trí nào đó thì đất này sẽ trở thành đất vàng kinh doanh sinh lợi, nhiệm vụ quản lý nhà nước của sở nọ vẫn không bị ảnh hưởng. Điều này, chúng ta tạm gọi là sử dụng nguồn lực từ đất đai chưa hiệu quả!

Nhưng điều gì cũng có tính lịch sử của nó. “Hồi xưa” kinh tế chưa phát triển, du lịch, thương mại, dịch vụ … chưa phát triển thì đôi khi, dù có sở hữu quyền sử dụng một miếng đất mênh mông cũng chẳng biết làm gì! Nó giống như chuyện cách đây vài mươi năm, đất rừng cho cũng chẳng mấy người nhận. Giờ đất rừng cũng là vàng. Nhiều vụ tranh chấp xảy ra là từ giá trị đất đưa lại.

Năm nay, Huế cũng như nhiều tỉnh miền Trung giá bất động sản lên cơn sốt. Năm 2018 Thừa Thiên Huế thu từ chuyển quyền sử dụng đất được 1.060 tỷ đồng, trong khi tổng thu nội địa chỉ hơn 6.000 tỷ đồng… đã cho thấy, bất động sản, hay nói nôm na là đất đai đã trở thành một nguồn lực tài chính quan trọng như thế nào.

Chúng ta biết rằng, đất đai là một loại tài nguyên không thể sinh ra. Vì vậy, giờ là lúc phải tính toán sử dụng nguồn lực này sao cho có hiệu quả. Hiệu quả nhất là ưu tiên cho hoạt động kinh tế. Nơi nào có khả năng sinh lãi từ hoạt động kinh tế thì nên ưu tiên cho hoạt động này.

Trước đây, chỉ một động thái từ UBND TP. Huế, xây dựng Trung tâm Hành chính công của thành phố đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho việc cung cấp các dịch vụ công cho người dân, và cũng làm “dôi dư” ra rất nhiều khu đất vàng để sử dụng vào các mục đích khác. Và bây giờ, đến lượt UBND tỉnh xây dựng khu văn phòng làm việc một số cơ quan đơn vị thuộc tỉnh, cũng làm “dôi dư” ra rất nhiều khu đất vàng.

Theo số liệu thống kê từ UBND tỉnh, sau khi sắp xếp lại các đơn vị, bộ phận về nơi làm việc mới, nguồn đất và nhà “dôi dư” ra: các cơ sở nhà, đất thuộc cấp tỉnh có 24 hạng mục với hơn  65.000m2 đất và hơn 30.000m2 nhà; đối với cấp huyện là 50.000m2 đất và 6.000m2 nhà.

Đối với đất ở TP. Huế, chỉ so sánh với giá đất chuyển nhượng tại một số khu đô thị mới, giá đất lên đến cả chục, thậm chí vài chục triệu 1m2 thì chúng ta sẽ thấy một nguồn lực tài chính nằm trong đất đai là lớn như thế nào.

Một điều có ý nghĩa khác, xét ở khía cạnh kinh tế, nếu như các khu đất vàng được giao quyền sử dụng cho những nhà đầu tư có năng lực tài chính và tổ chức hoạt động kinh tế, thì ngoài thu được tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê đất, tỉnh còn thu được thêm từ nguồn đóng góp thuế mà các nhà đầu tư này đưa lại từ hoạt động kinh doanh. Nó còn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân. Nếu thực hiện quy hoạch và kiến trúc tốt, nó còn góp phần làm đẹp bộ mặt đô thị… Rất nhiều cái lợi.

Chỉ mới là sự sắp xếp nơi làm việc mới cho các đơn vị quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh đã có thể chuyển mục đích sử dụng lên đến 65.000m2. Nếu tiếp tục rà soát việc sử dụng trụ sở của đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập khác... có khi diện tích đất vàng còn “dôi dư” ra nhiều hơn nữa.

Bài: LÊ SƠN - Ảnh: PHAN THÀNH