Tuyệt không có một tiếng anh-em ngọt ngào như thuở đang còn yêu nhau. Chị vợ buồn, nhưng nghĩ ván đã đóng thuyền, muốn yên nhà yên cửa nên đành nín lặng. Ra đường hoặc đi chơi với bạn bè cùng trang lứa, thấy vợ chồng người ta quấn quýt, anh anh mình mình mà thèm.

Rồi đến một hôm, để ý mấy đứa con khi nói chuyện cũng mày tao chi tớ, đứa lớn kêu đứa nhỏ cũng ừ, không thấy dạ thưa, chẳng nghe anh, nghe chị, chị mới chột dạ. Định mắng con nhưng kịp dừng lại. Thầm nghĩ, có lẽ chúng nó nhìn bố mẹ và tập nhiễm với lối xưng hô của bậc sinh thành… Chị vào phòng lén lau nước mắt. Chợt nghe lòng hẫng hụt và mênh mông buồn…

Sáng hôm ấy, đợi mấy đứa con đi học cả, chị mới bảo chồng: “Anh này, sao là vợ chồng, anh cũng hơn em đến chục tuổi mà xưng hô kỳ cục quá, lúc nào cùng mi tau nghe rất chối. Trước thì sao cũng được, em không chấp. Nhưng nay con mình đã lớn cả rồi, chướng với chúng lắm. Mà hình như chúng cũng đã nhiễm thói quen mi tau của anh rồi đó. Em nghĩ anh nên sửa đi. Còn không, từ nay em cũng “mi tau” với anh thì chớ trách…”. Vẻ căng thẳng, chị làm một thôi khiến anh chồng hết sức bất ngờ và không kịp phản ứng. Mặt nghệt ra, gãi gãi cái đầu buổi sáng còn chưa chải. Chị dắt xe đi làm trong lúc anh ngượng nghịu giúp vợ mở cổng.

Bây giờ thì chị đang nửa ấm ức nửa hào hứng trút bầu tâm sự với bạn bên ly cà phê sáng. Mấy người bạn nghe chị kể ai nấy đều gật gù, khen chị phản ứng như vậy là quá đúng. Nhưng họ bảo chị cũng nên bình tĩnh, đừng quá căng thẳng. Có thể chồng chị không phải lỗ mãng mà đơn giản là vì thói quen. Mà thói quen thì không thể nói cái là sửa ngay được. Phải cho anh ấy thời gian, và đừng quên nhắc nhở, khuyến khích để anh ấy chuyển dần…

Tôi mỉm cười, thấy vui vui bởi đầu ngày vô tình được nghe một câu chuyện thú vị.

Hàn Yên