Phiên tòa tranh chấp quyền sử dụng đất được TAND TP. Huế thụ lý, xét xử. Nhà, đất của gia đình anh Đ. (nguyên đơn trong vụ án), mua năm 2013. Nhà đất của gia đình anh H. (bị đơn trong vụ án), mua năm 2016. Hai ngôi nhà này liền kề nhau, trước đây chung một thửa đất nên giữa hai nhà có lối đi chung. Chủ đất cũ là hai mẹ con. Nhà người mẹ xây trước, sau đó người mẹ cắt đất cho con xây nhà. Chính vì mối quan hệ ruột thịt nên khi người con làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công việc đo đạc cũng không “khắt khe”. Cụ thể, phần be nhà người mẹ lấn sang phần không gian nhà người con, nhưng không ai để ý, cũng chẳng có tranh chấp nào xảy ra. 

Người con bán nhà trước, vợ chồng nguyên đơn đến mua. 3 năm sau, người mẹ bán nhà, vợ chồng bị đơn đến mua. Sau khi mua nhà, bị đơn biết một phần be nhà mình lấn sang nhà hàng xóm, nên đã chủ động cắt một phần be, đồng thời xây tường rào để ngăn cách giữa hai nhà. Thế nhưng, nguyên đơn phản đối vì cho rằng, tường rào bị đơn xây lấn sang đất nhà mình khiến cửa hông nhà nguyên đơn không mở ra được. Phần be nhà bị đơn tuy đã cắt bớt, nhưng vẫn còn lấn sang không gian nhà nguyên đơn. Gần 3 năm liền mâu thuẫn vẫn chưa giải quyết được. Nguyên đơn đành khởi kiện ra tòa.

Chỉ có vợ chồng nguyên đơn và vợ chồng bị đơn, là những đương sự trong vụ án, tham gia tố tụng tại phiên tòa. Phòng xét xử “vắng tênh”, nhưng không khí xem chừng rất căng thẳng. Trong lúc mới trở thành hàng xóm, hai cặp vợ chồng này đã từng vui mừng vì là đồng hương. Cứ ngỡ tình đồng hương sẽ càng khiến tình hàng xóm thêm gắn kết, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong cuộc sống. Thế mà…

Vợ bị đơn bật khóc khi trình bày trước tòa: Vì muốn sống vui vẻ hòa thuận với hàng xóm nên đã sang nhà nguyên đơn xin lỗi, rằng nếu cái be hay hàng rào có lấn qua thì xin được bồi thường bằng tiền. Nhưng nguyên đơn không chịu.

Vợ nguyên đơn lại cho rằng: Đằng nào cũng là hàng xóm láng giềng, vào ra chạm mặt, nếu  nhà bị đơn xây tường rào có lấn sang đất nhà nguyên đơn, nhưng chỉ cần qua nói một tiếng, xin lỗi một câu cho tử tế, thật lòng, là vợ chồng chị cũng bỏ qua. “Đằng này đã không sang nhà tôi xin lỗi, họ còn nói với mọi người trong xóm, chỉ cần “đập vô mặt” tui vài chục triệu là êm chuyện. Hỏi có tức không?”- vợ nguyên đơn bức xúc. Bị đơn thì lắc đầu bảo, làm gì có chuyện đó, đời nào họ lại cư xử như vậy.

Tòa hỏi nguyên đơn: “Bị đơn lỡ vậy rồi, anh có đồng ý để họ bồi thường không?”. Nguyên đơn trả lời: “Không bao giờ”.

Sau khi nghe hai bên nguyên đơn và bị đơn trình bày ý kiến; căn cứ vào kết quả xác minh, thu thập chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và tranh tụng tại phiên tòa, hội đồng xét xử xác định phần chiều rộng của bức tường rào nhà bị đơn đã lấn sang đất nhà nguyên đơn 0,1m; phần không gian (be nhà) của nhà bị đơn đã lấn chiếm sang phần không gian của nhà nguyên đơn. Tòa tuyên bị đơn phải trả lại phần đất và phần không gian lấn chiếm cho nhà nguyên đơn.

Theo thẩm phán: Qua thực tiễn xét xử, nhiều vụ tranh “chút xíu” đất lối đi, tường rào dai dẳng qua nhiều cấp xét xử, “cắt đứt” tình cảm hàng xóm láng giềng, bà con ruột thịt, thậm chí là nguyên nhân dẫn đến các vụ án hình sự đáng tiếc. Vậy nên,  mong rằng các đương sự trong vụ án này nói riêng và tất cả mọi người cần biết cư xử sao cho thấu tình đạt lý, lời nói “lọt tai” nhau, để tránh những vụ kiện tụng kéo dài, “cái sảy nảy cái ung”…

Quỳnh Anh