Một buổi tập luyện của tuyển bắn cung Huế
1. Tại giải vô địch cung thủ xuất sắc đầu tháng 4 ở Hà Nội, với 5 VĐV và chỉ tham dự nội dung cung 1 dây nhưng tuyển bắn cung Huế đã xuất sắc giành được 1 HCV (cự ly 30m).
So với 3 vị trí dẫn đầu là Hà Nội (15 HCV, 16 HCB, 11 HCĐ), Hải Dương (10 HCV, 6 HCB, 4 HCĐ) và Vĩnh Long (5 HCV, 6 HCB, 7 HCĐ) thì thành tích của Thừa Thiên Huế chẳng thấm vào đâu. Bởi bên cạnh truyền thống, đầu tư mạnh tay, những đơn vị nói trên từ lâu đã là tập hợp gồm những VĐV hàng đầu quốc gia với kinh nghiệm chinh chiến ở các đấu trường khu vực, châu lục và cả thế giới, trong khi bắn cung Thừa Thiên Huế vẫn đang chập chững trên hành trình đi tìm thành tích của một bộ môn còn non trẻ.
Tuy nhiên, nếu đặt các tay thiện xạ của tỉnh, thành bạn vào vị trí của bắn cung Huế, chưa biết những VĐV đó liệu có giành được huy chương hay không. Bởi với đặc thù của mình, cung tên phải được làm riêng theo chiều cao, sải tay, lực kéo… của từng VĐV, đồng nghĩa với quen tay, quen mắt và quen cảm giác, có như vậy VĐV mới có thể phát huy được năng lực cao nhất của bản thân.
Trong khi đó, đã hơn 1 năm qua, cứ mỗi lần thi đấu, những tay cung Cố đô phải đi mượn cung tên của Trung tâm huấn luyện TDTT quốc gia 4 (Cần Thơ). Nguyên do, chất lượng cung tên của VĐV Huế vừa chỉ nằm ở mức tầm trung, lại vừa sử dụng quá lâu không được trang cấp mới nên những thông số kỹ thuật không đạt yêu cầu, trong tập luyện đã khó đạt độ chuẩn xác chứ đừng nói trong thi đấu.
Nhưng thiếu thốn về trang thiết bị thi đấu không chỉ diễn ra với bộ môn bắn cung.
Không ít lần những VĐV xuất sắc của Karatedo Huế phải mượn giáp của đội bạn để thi đấu tại các giải khu vực, châu lục
2. Tại giải vô địch Karatedo Đông Nam Á hồi trung tuần tháng 4, từ Thái Lan, Trưởng bộ môn Karatedo Huế - Lê Văn Lộc đã phải điện thoại về Huế xin ý kiến lãnh đạo “linh động” duyệt mua 2 bộ giáp bảo hộ cho VĐV nếu như muốn được tranh tài tại giải đấu này.
Thật ra, tuyển Karatedo Huế vẫn có đủ giáp bảo hộ cho từng thành viên. Nhưng những bộ giáp này chỉ có thể sử dụng ở các giải trong nước. Theo quy định của Liên đoàn Karate thế giới, mỗi khi tham dự giải quốc tế, VĐV phải có giáp… do chính Liên đoàn này sản xuất với nhãn hiệu VKF cùng thời hạn sử dụng sau khi được trọng tài kiểm tra mới được thi đấu.
Trong khi đó, tuyển Karatedo quốc gia không có “cơ chế” sắm giáp cho VĐV địa phương, đồng thời cũng không có dư nên mỗi khi tham dự các giải khu vực, châu lục, Karatedo Huế rất chật vật trong chuyện tìm cho ra người để mượn giáp bảo hộ nếu không bị gạch tên khỏi cuộc thi.
“Chuyện này xảy ra đã lâu, cũng có khi VĐV nước bạn cho mượn, nhưng cũng có khi không. Và để được thi đấu khi không tìm ra được người cho mượn, không ít lần tôi phải cạo sạch nhãn hiệu giáp chỉ dùng cho thi đấu trong nước, sau đó lấy bút xạ vẽ chữ VKF đè lên, rồi dặn học trò lúc giải lao nhớ để ý… mồ hôi hoặc nước dính vào nhòe chữ”, ông Lê Văn Lộc – Trưởng bộ môn Karatedo Huế kể.
3. Ngoài trang thiết bị, các môn võ, vật nằm trong nhóm đầu tư trọng điểm của tỉnh từ lâu cũng rất chật vật về không gian, địa điểm tập luyện. Mừng là đến hiện tại, các bộ môn này đã có được một nhà tập khá rộng rãi, khang trang trong khuôn viên Trường trung cấp TDTT tỉnh.
Mới đây, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao đã chia sẻ: “Lãnh đạo tỉnh đang rất quan tâm đến những khó khăn của ngành thể thao nói chung, những bộ môn nằm trong nhóm đầu tư trọng điểm nói riêng. Nếu VĐV, HLV vẫn tiếp tục phấn đấu hết mình vì vinh quang chung của thể thao tỉnh nhà, thì thời gian tới, những nỗ lực vượt khó này sẽ được đền đáp xứng đáng, và trước mắt là từng bước tháo gỡ những khó khăn về trang thiết bị tập luyện”.
Hạn chế về ngân sách khiến từ lâu, những đầu tư cho thể thao chưa thể so với một số tỉnh, thành bạn, dẫn đến thành tích thể thao Huế chưa xứng với tiềm năng, đi kèm là hiện tượng “chảy máu” VĐV. Tuy nhiên, hạn chế đó đã và đang được phủ đầy bằng nỗ lực vượt khó của VĐV, HLV cũng như từ những quyết sách mang tính chiến lược, bền vững của tỉnh, của ngành sắp đến.
Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG