Gắn kết ngư dân

Giữa mùa biển, Cảng cá Thừa Thiên Huế đông chật tàu thuyền. Những chiếc tàu từ khơi xa về cập cảng với khoang cá đầy ắp. Thỉnh thoảng, vài chiếc tàu nổ máy xuất bến, bắt đầu một chuyến biển mới. Chỉ tay về phía khu vực hàng chục chiếc tàu neo đậu đang tiếp nhiên liệu, nhu yếu phẩm, chủ tàu Trần Dành vui mừng, từ ngày thành lập chi hội đến nay mỗi khi đi khai thác biển các hội viên che chở, đùm bọc lẫn nhau; liên kết làm ăn theo tổ, đội anh em luôn sẵn sàng hỗ trợ nhau khi xảy ra tình huống xấu. Đó cũng là động lực giúp hội viên quyết tâm bám biển can trường phát triển kinh tế gia đình, đồng thời bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.


Thị trấn Thuận An, điểm sáng tiếp sức cho ngư dân bám biển

Với kinh nghiệm 20 năm vươn khơi bám biển, tàu trưởng TTH 92023 Trần Văn Lu, được anh em tín nhiệm bầu làm trưởng thôn Tân Bình, thị trấn Thuận An. Ông Lu chia sẻ, Tân Bình là địa phương có 100% ngư dân tham gia khai thác thủy hải sản trên biển, giờ đây có chi hội khai thác biển, bà con mạnh dạn bám biển dài ngày, sản lượng đánh bắt cao hơn. Nếu ngày trước đi riêng lẻ, chúng tôi thường bị các tàu nước ngoài lấn ngư trường, nay thì không bị họ uy hiếp nữa”.

Hiện, ở thị trấn Thuận An có 2 chi hội nghề cá khai thác biển là An Hải và Thuận An, được chia thành 9 tổ, đội đoàn kết, với 100 hội viên. Ông Nguyễn Tơ, Chi hội trưởng Chi hội nghề cá Khai thác biển An Hải cho biết, chi hội gồm có 5 tổ, đội đoàn kết, với 50 hội viên. Từ khi thành lập đến nay anh e trong chi hội “ăn nên, làm ra”, mọi người động viên nhau nâng cấp tàu, giúp nhau về vốn để sửa chữa tàu, mua máy mới. Hàng tháng, các hội viên góp quỹ để cùng giúp nhau khi có rủi ro. Chẳng hạn, có tàu bị chết máy trôi dạt trên biển, thì chi hội hỗ trợ 50% chi phí tiền dầu đưa tàu vào bờ và 50% còn lại gia đình bỏ ra. Đồng thời, hội viên nào gặp khó khăn thì anh, em hội viên tự nguyện góp tiền cho mượn để nâng công suất tàu, hoặc mua ngư lưới cụ”.

Tiếp sức vươn khơi

Thị trấn Thuận An hiện có 19 chiếc tàu được Nhà nước hỗ trợ tiền dầu khi tham gia khai thác ở biển xa nhưng đến nay mới có khoảng 10 tàu tham gia hoạt động ở vùng biển xa. Theo kế hoạch, đến ngày 30/6, các tàu đã được UBND tỉnh phê duyệt nhưng vẫn chưa tham gia chuyến biển nào ở vùng biển xa thì Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh rà soát và đưa ra khỏi danh sách để bổ sung các tàu mới vào danh sách. Từ đầu năm đến nay, thị trấn Thuận An có hơn 10 chiếc tàu đóng mới bà con nên đăng ký với Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tham gia hoạt động ở vùng biển xa để được hỗ trợ tiền dầu, bảo hiểm và máy Icom tầm xa.

Ông Hoàng Phước, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho biết: “Để đủ điều kiện tham gia khai thác thủy hải sản trên biển, các tàu cần phải tham gia đầy đủ mua bảo hiểm thân tàu, thuyền viên. Nhằm tiếp sức cho ngư dân vươn khơi, UBND thị trấn Thuận An có chính sách hỗ trợ 50% tiền mua bảo hiểm cho thuyền viên đối với các tàu có công suất lớn nhưng chưa tham gia khai thác ở vùng biển xa. Đến nay, địa phương hỗ trợ mua bảo hiểm cho khoảng 20 thuyền viên”.  

Ông Nguyễn Hối ở thôn Tân Bình khoe, tàu của gia đình tham gia khai thác thủy hải sản ở vùng biển xa được hai chuyến biển rồi, bình quân mỗi chuyến 15 ngày, đánh bắt được 15 tấn cá, thu nhập 600 triệu đồng; trừ mọi chi phí và chia cho 10 anh em thuyền viên 400 triệu đồng; còn tôi lãi cũng được 200 triệu đồng. Cứ đà này, chẳng bao lâu nữa, tôi sẽ tích lũy và Nhà nước hỗ trợ vay vốn ưu đãi, sẽ đóng mới một chiếc tàu vỏ sắt để an tâm hơn khi tham gia đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.

Tương tự, ông Nguyễn Cường có tàu khai thác biển công suất 250CV, chưa có trong danh sách được nhà nước hỗ trợ khi tham gia đánh bắt ở vùng biển xa. Được tin, UBND thị trấn Thuận An hỗ trợ 50% tiền mua bảo hiểm cho thuyền viên, tôi đăng ký mua bảo hiểm cho 10 thuyền viên trên tàu. “Đây là sự tiếp sức kịp thời và vô cùng quý báu đối với tôi và anh em thuyền viên. Mỗi lần ra khơi, nghĩ về ân tình đó, quyết tâm bám biển trong tôi lại càng mạnh mẽ”, ông Cường tâm sự.

Bài, ảnh: Thanh Thuận