Ảnh minh hoạ. Nguồn: Reuters
Theo đó, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) Lĩnh vực sản xuất ASEAN của Nikkei tăng từ mức 50,3 điểm trong tháng 3, lên mức 50,4 điểm trong tháng 4, đánh dấu mức cao nhất trong 5 tháng.
Tăng trưởng được hỗ trợ bởi sự gia tăng của những đơn đặt hàng mới và sản lượng cao hơn. Trong điều kiện đó, các công ty tiếp tục gia tăng số lượng việc làm trong tháng 4, với tốc độ nhanh nhất năm 2019, tính đến thời điểm này.
5 trong số 7 nền kinh tế được khảo sát ghi nhận điều kiện kinh doanh cải thiện trong tháng 4, trong đó có 3 nền kinh tế đạt mức tăng trưởng nhanh hơn so với tháng 3.
Cụ thể, Myanmar tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng khi có sản lượng tăng mạnh nhất trong một năm, ở mức 53,7 điểm. Việt Nam cũng có các điều kiện kinh doanh cải thiện nhanh hơn và đứng vị trí thứ 2, với 52,5 điểm.
Thái lan ghi được 51 điểm, xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng; trong khi Indonesia (50,4 điểm) và Philippines (50,9 điểm) đều có tốc độ cải thiện yếu hơn. Nhìn chung, cả 3 nền kinh tế này đều chỉ có các điều kiện kinh doanh được cải thiện nhẹ.
Ở vị trí cuối trong bảng xếp hạng là Malaysia (49,4 điểm) và Singapore (47,3 điểm), với chỉ số PMI toàn phần báo hiệu sức khỏe của lĩnh vực sản xuất tiếp tục sụt giảm. Tuy nhiên, tốc độ thu hẹp ở Malaysia chậm hơn so với trong tháng 3.
Bên cạnh đó, dữ liệu khảo sát PMI lĩnh vực sản xuất ASEAN cũng cho thấy một điểm tích cực khác là trong tháng 4, việc làm ghi nhận mức tăng trong tháng thứ 3 liên tiếp. Đáng chú ý, Việt Nam có mức tăng việc làm mạnh nhất, sau thời gian giảm liên tục. Đồng thời, các nhà sản xuất ASEAN cũng có thể giải quyết lượng công việc tồn đọng với một tốc độ vừa phải.
Ngoài ra, mức độ lạc quan trong giới kinh doanh về sản lượng trong tương lai vẫn duy trì sự tích cực và tăng nhẹ so với tháng 3. Philippines tiếp tục có mức độ lạc quan tích cực nhất, trong khi Myanmar có mức độ lạc quan thấp nhất.
Ông David Owen, chuyên gia kinh tế tại HIS Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát nhận định: “Chỉ số PMI của ASEAN tăng nhẹ vào đầu quý II cho thấy, lĩnh vực sản xuất tiếp tục có sự tăng trưởng chậm lại. Trong khi sản lượng tăng nhanh hơn, mức tăng vẫn yếu hơn so với cuối năm ngoái”.
Dù vậy, các yếu tố về nhu cầu có dấu hiệu cải thiện trong tháng 4, đáng kể nhất là ở những thị trường nước ngoài. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng lần đầu tiên kể từ tháng 7 năm ngoái, tuy chỉ với mức tăng nhẹ. Điều này đã hỗ trợ cho tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh nhất trong 7 tháng, dẫn đến thái độ lạc quan cho các nhà sản xuất khi họ chịu ảnh hưởng đáng kể từ những căng thẳng thương mại đang diễn ra, ông David Owen nói thêm.
Lê Thảo (Lược dịch từ Nikkei & Markit Economics)