Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh hỏi thăm sức khỏe các bậc cao niên nhân dịp về thăm quê hương Thừa Thiên Huế. Ảnh: Tâm Hành
Một lần về thăm quê hương, Đại tướng gợi ý lãnh đạo tỉnh nhà nên xin phép Chính phủ làm cảng Chân Mây, vừa phục vụ kinh tế vừa phục vụ quốc phòng và Đại tướng hứa sẽ trao đổi vấn đề này với Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Từ gợi ý đó, lãnh đạo địa phương, cụ thể là đồng chí Vũ Thắng, Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Phạm Bá Diễn, Chủ tịch UBND tỉnh đã cho mời Phân viện Vật lý Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh đến khảo sát.
Ngày 24/3/1996, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt cùng với các bộ, ngành liên quan về Chân Mây kiểm tra thực địa và sau đó Thủ tướng giao các Bộ, ngành liên quan cùng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng quy hoạch khu vực Chân Mây.
Sau khi tỉnh xây dựng bến cảng số I, trong một lần về thăm quê, chúng tôi mời Đại tướng về Chân Mây. Dù chưa như mong muốn, nhưng từ gợi ý của Đại tướng, cảng Chân Mây được xây dựng đã thành hiện thực nên Đại tướng rất đỗi vui mừng.
Đầu những năm 2000, trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, mỗi dịp ra Hà Nội công tác, được gặp, Đại tướng Lê Đức Anh tâm sự, quê mình còn nghèo nên muốn phát triển phải có hạ tầng.
Tôi thưa với Đại tướng là Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đang tập trung xin Chính phủ đầu tư xây dựng cầu Trường Hà, đập Thảo Long và hồ chứa nước Tả Trạch. Nếu được triển khai, cầu Trường Hà sẽ giảm bớt sự chia cắt cho vùng bên kia đầm Cầu Hai, mang nhiều lợi ích cho kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Việc cần thiết phải xây đập Thảo Long để ngăn mặn là do cứ đến đầu hè nước sông Hương đã lờ lợ. Còn xây hồ chứa Tả Trạch là khát vọng từ lâu của tỉnh nhà nhằm giảm lũ về mùa mưa và bổ sung nước cho sông Hương về mùa hè.
Nghe đến Trường Hà (xã Vinh Phú, huyện Phú Vang), Đại tướng Lê Đức Anh kể cho tôi nghe, thời trai trẻ Đại tướng sinh ra, lớn lên và trưởng thành ở đây. Thời ấy, đó là vùng quê nghèo, ruộng ít, cát nhiều; thủy lợi không có nên mất mùa liên miên, cuộc sống của bà con rất cơ cực.
Chính ở chợ Trường Hà, Đại tướng (khi đó mới 10 tuổi) đã cùng ông Viết (Hoàng Văn Viễn), treo cờ Đảng lên ngọn dương liễu (năm 1930).
Đại tướng Lê Đức Anh rất vui khi biết ở Phú Lộc đã xây dựng hồ Truồi, nay tỉnh nhà quyết tâm làm cầu băng đầm vượt phá nên đã động viên chúng tôi cố gắng xúc tiến. Đồng thời, không quên nhắc nhở chúng tôi trong quá trình thực hiện phải sắp xếp lại, nhất là tìm mọi cách đưa cho được bà con các vạn chài lên bờ định cư vì đa số họ mù chữ nên rất thiệt thòi.
Về xây dựng Đảng, Đại tướng Lê Đức Anh nhắc nhở chúng tôi không được xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ. Liên Xô - Đông Âu tan rã là vì xa rời nguyên tắc cốt lõi đó. Đất nước đổi mới và hội nhập cần chú ý đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ, có lý tưởng và trí tuệ mới đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Với quê hương Thừa Thiên Huế, trước hết Ban Thường vụ Tỉnh ủy phải đoàn kết, bài học nhãn tiền là nếu chia rẽ thì không thể phát triển được.
Riêng về việc xây dựng nhà lưu niệm Đại tướng tại xã Lộc An (Phú Lộc), trước khi triển khai, tôi đã gặp và xin ý kiến Đại tướng nhiều lần, xuất phát từ gợi ý của Đại tướng Phạm Văn Trà.
Tướng Phạm Văn Trà cho biết, Đại tướng Lê Đức Anh có khá nhiều tranh ảnh, tài liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, nhưng do ở nhà công vụ nên không có nơi trưng bày và gợi ý chúng tôi nên làm nhà lưu niệm để có nơi trưng bày tư liệu của Đại tướng Lê Đức Anh.
Tôi đưa vấn đề ra bàn bạc trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và nhận được sự đồng thuận.
Tôi ra Hà Nội gặp và xin ý kiến, nhưng cả 3 lần Đại tướng Lê Đức Anh đều từ chối việc xây dựng nhà lưu niệm vì cho rằng, quê mình còn nghèo nên chưa cần thiết và khuyên chúng tôi dùng số tiền đó để xây dựng nhà trẻ. Lần cuối cùng, sau khi tìm được nguồn tài trợ, chúng tôi gặp Đại tướng, đó là năm 2010. Tôi nói liều: "Đại tướng không đồng ý, chúng cháu cũng đã khởi công".
Những trăn trở và gợi ý của Đại tướng Lê Đức Anh đối với quê nhà, mấy chục năm qua, Đảng bộ và Nhân dân Thừa Thiên Huế đã từng bước thực hiện.
Hồ Xuân Mãn
(Nguyên UVTW Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy)