Nuôi bò - mô hình mới ở trang trại rú cát Quảng Điền

Thành công từ mô hình kinh tế trang trại

Đi đầu trong khai hoang vùng rú cát Quảng Điền, ông Nguyễn Thuận (58 tuổi) ở xã Quảng Vinh từng nếm trải thăng trầm nơi vùng “đất khó”. Ông Thuận gom hết vốn liếng dành dụm được, ban đầu chỉ nuôi vài trăm con gà, chục con lợn thịt, trồng thêm rau xanh, cây ăn quả, kết hợp trồng rừng keo tràm để chắn gió, bảo vệ cây trồng vật nuôi. Chỉ mới vài năm đầu, các loại vật nuôi đã “bén duyên” vùng rú cát, bước đầu mang lại nguồn thu nhập khá.

Sau những vụ đầu tiên có lãi, ông Thuận dốc vốn, vay ngân hàng mở rộng quy mô sản xuất bằng mô hình trang trại lợn (100 con), gà thương phẩm (1.000 con), đào 3 ao hồ nuôi cá.

 “Sau hơn 15 năm khai hoang, sinh sống trên vùng rú cát Quảng Điền, mô hình TT của tui giờ đây được mở rộng lên 2 ha. Các loại vật nuôi chủ lực là lợn, gà, cá, vài năm nay còn trồng thêm cam, bưởi vừa ra trái bói. Tui và nhiều hộ liên kết với Công ty CP Greenfeed trong chăn nuôi lợn theo công nghệ cao. Công ty hỗ trợ con giống, thức ăn, tư vấn thiết kế chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm, thậm chí bù lỗ nếu giá lợn hơi xuống dưới 33 nghìn đồng/kg… Bình quân mỗi năm doanh thu của TT đạt trên 3 tỷ đồng, chủ yếu là gà và một phần từ lợn thương phẩm. Về tổng giá trị tài sản được đầu tư như kết cấu hạ tầng, chuồng trại, điện nước… tính từ khi lập mô hình TT đến nay đạt con số 5 tỷ đồng”, ông Nguyễn Thuận tiết lộ.

Ông Ái Hiệp, là người đầu tiên đưa giống thanh long ruột đỏ từ Thái Lan về trồng ở trang trại vùng rú cát. Tính cả bán quả sau thu hoạch và bán giống thanh long, mỗi năm ông Hiệp thu nhập trên 100 triệu đồng. Riêng về lợn, gà nuôi đầu năm nay đang tiến hành xuất bán, dự định lãi hơn 200 triệu đồng.

Theo ông Hiệp, cơ hội thoát nghèo và làm giàu từ mô hình kinh tế TT trên vùng rú cát Quảng Điền giờ đây đã trở thành hiện thực. Hầu hết các hộ sinh sống tại vùng rú cát đều có cuộc sống ổn định, khá giả, thậm chí làm giàu. Từ khi đến khai hoang, lập nghiệp chỉ hai bàn tay trắng, nhiều hộ đã xây được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ các thiết bị máy móc phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Các chủ TT đều mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi gắn với các quy trình, kỹ thuật sản xuất an toàn dịch bệnh bằng chế phẩm sinh học. Nhiều hộ nuôi quy mô vài trăm con lợn đến 1.000-2.000 con/lứa, 3.000-7.000 con gà/lứa, cá biệt có hộ nuôi đến 6.000 con lợn/lứa và 13.000 con gà/lứa…

Dấu ấn hạ tầng

Tuyến đường nối từ thị trấn Sịa về khu kinh tế TT vùng rú cát Quảng Điền mới ngày nào chỉ là con đường bằng đất đỏ dài hơn 5 cây số giờ đây đã được mở rộng, thảm nhựa, bê tông khang trang. Trên tuyến đường còn được lắp đặt hệ thống bóng đèn chiếu sáng, không chỉ thuận lợi cho người dân đi lại vào ban đêm mà còn tạo mỹ quan cho tuyến đường và cả khu kinh tế TT. Các loại xe tải trọng lớn vào tận trung tâm các TT để thu mua, vận chuyển sản phẩm, hàng hóa một cách dễ dàng. Điện lưới Quốc gia được đưa về tận khu TT phục vụ sản xuất cho người dân.

Tản bộ trên con đường vào các TT, dưới cái nắng oi nồng của những ngày giữa tháng 4 vẫn cảm thấy dịu mát bởi các dãy rừng tràm xanh ngắt được trồng hai bên đường.

Các TT được bao bọc, chắn gió từ những cánh rừng tràm mà người dân nơi đây đã dày công vun trồng, gầy dựng từ mấy chục năm nay. Từ vùng đất hoang vu, vùng rú cát Quảng Điền với hàng trăm ha đã phủ màu xanh của cây tràm hoa vàng, rau xanh và cây ăn quả; nhiều hộ dân đã xây dựng nhà sinh sống lâu dài với các mô hình kinh tế.

Các hộ tại khu kinh tế TT đều ý thức được rằng, bảo vệ môi trường chính là yếu tố giúp các mô hình sản xuất bền vững, tạo môi trường sống trong lành, an toàn cho người dân và gia súc, gia cầm. Các hộ đầu tư hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng/hộ để xây chuồng trại, mua sắm các trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất. Các chuồng trại chăn nuôi lợn, gà còn được lắp đặt hệ thống điều hòa, máng ăn, uống tự động, hầm biogas, quy hoạch khu vực chứa và xử lý chất thải. Các hộ đều áp dụng công nghệ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học bằng việc sử dụng các tấm lót sinh học giúp giảm mùi hôi và khí độc, tạo môi trường trong lành và giảm thiểu tối đa dịch bệnh cho vật nuôi.

Ông Phan Văn Lự, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền tỏ ra hài lòng khi kết cấu hạ tầng tại khu TT được đầu tư thỏa đáng trong những năm gần đây. Mới đây huyện Quảng Điền đầu tư hệ thống cấp nước tưới và nước sinh hoạt, hệ thống điện, đường vào khu TT, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở các TT chăn nuôi lợn. Riêng ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương đang tìm hiểu thị trường, liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm ổn định cho người dân…

Đến nay, huyện Quảng Điền đã giao 358 ha cho gần 90 hộ sản xuất với các mô hình trồng rừng và rau màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản. Trong tổng số 90 TT có 28 TT có giá trị sản lượng hàng hóa từ 500 triệu – 1 tỷ đồng/năm, một số TT thu nhập lớn từ 2 đến 4 tỷ đồng/năm...

Bài, ảnh: Hoàng Triều