Một buổi luyện thi của thầy trò khoa toán

Nhiều giải thưởng

Đúng như kỳ vọng, đội tuyển Olympic toán Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế rời kỳ thi Olympic toán học sinh viên - học sinh toàn quốc (tháng 4/2019) tại Nha Trang với 1 giải nhất, 1 giải nhì và 5 giải ba (hơn 1 giải ba so với năm 2018). So với các đơn vị bạn, nhất là khu vực miền Trung, việc có được giải nhất tại kỳ thi đã là một thành công và đội tuyển toán Trường ĐH Sư phạm còn hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ giải thưởng này qua năm thứ 5 liên tiếp (kể từ năm 2015).

Olympic toán học sinh viên - học sinh toàn quốc là kỳ thi thu hút rất đông sinh viên, học sinh giỏi toán ở các trường cùng tranh tài. Điển hình năm 2019, có đến 800 sinh viên, học sinh từ 96 trường ĐH, cao đẳng, trung học phổ thông trong cả nước tham gia. PGS.TS. Trần Kiêm Minh, Trưởng khoa Toán học, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế phân tích, số lượng giải giới hạn trong khi có các đơn vị mạnh, truyền thống “giật giải” hằng năm tham dự, như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội… vì thế, số lượng đoàn có giải nhất rất ít. “Kỳ thi này chia bảng như cách nhóm hạt giống xếp vào bảng A, gồm những đơn vị phải có giải nhất năm trước đó. Tại miền Trung, đội tuyển Olympic toán của Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế là một trong số ít đội thường xuyên được lọt vào bảng A để tranh tài cùng các đội tuyển mạnh toàn quốc”, PGS.TS. Trần Kiêm Minh chia sẻ.

Theo đại diện đoàn Olympic toán Trường ĐH Sư phạm năm 2019, đáng vui nhất là trong nhóm thí sinh đạt giải nhất môn giải tích, sinh viên Nguyễn Xuân Quý đạt đến 27,5/30 điểm, vượt qua đến 323 thí sinh cùng dự thi môn giải tích. Đây là môn thi khó và không nhiều thí sinh đạt điểm cao.

Tạo đam mê & sự thoải mái

Điểm ấn tượng mà đội tuyển Olympic toán Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế làm được là tất cả 7 sinh viên đi thi đều giành được giải, kể cả những sinh viên năm thứ nhất lần đầu dự thi như Nguyễn Thị Phương Nhi hay một số sinh viên năm 2.

TS. Nguyễn Văn Vinh, Trưởng đoàn Olympic toán Trường ĐH Sư phạm chia sẻ, phương pháp chuyên môn không khác các đội tuyển bạn và thời gian luyện thi cũng không quá dài (khoảng 3 tháng). Khác biệt lớn nhất là các giảng viên biết cách cởi bỏ áp lực, tạo đam mê và sự thoải mái tối đa cho sinh viên từ thời gian luyện thi đến linh động phương pháp bởi họ còn có nhiệm vụ chính là học tập tại trường. “Chúng tôi tổ chức cuộc thi nghiệp vụ sư phạm để tạo phong trào, đam mê học của sinh viên từ đó có thể “tuyển quân”. Giờ giấc ôn luyện lựa chọn lúc sinh viên rảnh nhất, có thể buổi tối hoặc chủ nhật hay trao đổi qua mạng”. PGS.TS. Trần Kiêm Minh nói thêm.

Nguyễn Thị Phương Nhi, thành viên đội tuyển chia sẻ, trong thời gian ôn luyện cũng như buổi gặp mặt trước lúc lên đường tham dự kỳ thi, các cán bộ, giảng viên đều khuyên, động viên sinh viên không quá nặng nề thành tích nhưng phải giữ và phát huy đam mê của bản thân. “Các thầy cô thường xuyên tìm kiếm và chia sẻ những tài liệu hoặc nhanh chóng giải đáp các thắc mắc khi chúng em cần, đồng thời động viên, bày cách cho chúng em vượt qua vấn đề tâm lý”, Phương Nhi kể.

Nhờ tránh được sự gò bó khung chương trình ôn luyện nên các cán bộ, giảng viên cùng sinh viên mở ra môi trường tự ôn luyện nhóm cho sinh viên. Theo Nguyễn Xuân Quý, sinh viên 4 năm liên tục đạt giải kỳ thi Olympic toán học sinh viên – học sinh toàn quốc chia sẻ, khoa toán đã tạo các câu lạc bộ học tập và môi trường để sinh viên khóa trên hướng dẫn khóa dưới, thế hệ thi trước bày lại cho sinh viên thi sau nên nội dung, phương pháp kể cả các mẹo được sinh viên trong đội tuyển nắm chắc. Với cách làm này, đã kích thích đam mê hơn trong học tập và ôn luyện của mỗi sinh viên.

Bài, ảnh: Hữu Phúc