Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế liên kết đưa mô hình, dây chuyền của doanh nghiệp về đào tạo tại trường

Đỏ mắt tìm lao động

Dù quy mô hoạt động không quá lớn nhưng mấy năm nay, Công ty CP Cơ khí Phú Xuân luôn gặp khó khăn khi tìm kiếm lao động có tay nghề. Hiện, công ty này cần tuyển khoảng 20-30 lao động nhưng tìm không ra. Ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Công ty CP Cơ khí Phú Xuân cho biết: “Hầu như phiên giao dịch việc làm nào công ty chúng tôi cũng tham gia nhưng vẫn tuyển không đủ, lao động có tay nghề cao lại càng khó tìm hơn. Những năm gần đây, học sinh theo học ngành cơ khí giảm, trong khi đây là ngành cần nhiều lao động. Lao động được đào tạo ra cũng chưa thể đáp ứng ngay yêu cầu công việc, hiệu quả lao động chưa cao, công ty phải đào tạo lại”.

Ông Trần Hữu Châu Giang, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Huế thông tin thêm, hiện lượng sinh viên một số ngành nghề của Trường cao đẳng Công nghiệp Huế không đủ cung ứng cho các doanh nghiệp, như: điện, cơ khí, ô tô. Gần đây, một số doanh nghiệp ủy quyền cho trường đào tạo và tuyển dụng lao động, tuy nhiên, số lượng không ổn định.

Trong lĩnh vực du lịch, Bà Nà Hill (Đà Nẵng) là đơn vị có nhu cầu lớn về nhân lực. Hầu như năm nào khu du lịch này cũng ra Huế tuyển lao động, tổ chức ngày hội tuyển dụng ở Khoa Du lịch – Đại học Huế. Tuy vậy, đơn vị này cũng không thể tuyển đủ chỉ tiêu. Ông Võ Quý Tùng, Trưởng phòng Nhân sự của Bà Nà Hill cho hay: “Năm ngoái, chúng tôi cần 200 lao động nhưng chỉ tuyển được 60 người. Năm nay, chúng tôi có nhu cầu tuyển dụng khoảng 400 nhân sự, chủ yếu làm việc ở bộ phận bếp, nhà hàng, khách sạn. Nhân viên đã khó, các vị trí giám sát, quản lý càng khó tuyển hơn”.

Mỗi năm, Bà Nà Hill tiếp nhận 1.000 sinh viên từ Trường cao đẳng Du lịch Huế và Khoa Du lịch – Đại học Huế vào thực tập. Nếu sinh viên nào làm việc tốt và có nhu cầu làm việc ở khu du lịch này, sẽ được nhận vào làm việc chính thức sau khi tốt nghiệp mà không cần thử việc.

Theo số liệu cung – cầu lao động của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), năm 2018, toàn tỉnh có 9.453 người thất nghiệp. “Thừa thầy, thiếu thợ” là tồn tại diễn ra nhiều năm nay. Nguồn cung lao động luôn xảy ra tình trạng thiếu nghiêm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp, kỹ năng, tay nghề, thể lực và tác phong lao động công nghiệp còn yếu. Trình độ lực lượng lao động đạt cao đẳng nghề chỉ chiếm 0,37%, trung cấp nghề là 1,56%.

Sinh viên Trường cao đẳng Công nghiệp Huế thực hành kỹ năng nghề

Quan trọng là hướng nghiệp

Thị trường thiếu lao động có tay nghề, trong khi đó, các trường nghề lại chật vật tuyển sinh. Đây là nghịch lý diễn ra nhiều năm nay khi tâm lý xã hội vẫn nặng chuyện bằng cấp. “Dù xã hội đã bắt đầu có thay đổi, nhìn nhận lại với giáo dục nghề nhưng sự chuyển biến vẫn còn chậm, nhất là khi cánh cửa đại học mở rộng như hiện nay”, ông Phạm Bá Hùng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường cao đẳng Du lịch Huế nhận định.

Theo ông Nguyễn Xuân Hải, để giải bài toán “thừa thầy, thiếu thợ”, khâu hướng nghiệp từ trường phổ thông là quan trọng nhất. Việc định hướng nghề nghiệp từ nhà trường chưa được chú trọng nên nhiều người không biết bắt đầu từ đâu, vì thế, cần mở rộng tuyên truyền về học nghề với phụ huynh và học sinh.

Về phía các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường thực hiện nhiều giải pháp để góp phần chuyển biến nhận thức của xã hội, nhất là việc kết hợp với doanh nghiệp (DN) đào tạo theo địa chỉ để giải quyết đầu ra. Để đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề bậc cao, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế mở các khóa đào tạo nghề theo tiêu chuẩn của Nhật Bản, CHLB Đức. Cách đây 3 năm, nhà trường liên kết với Công ty Pramgia của Nhật Bản đào tạo ngành công nghệ thông tin, khóa đầu tiên năm nay sẽ ra trường. Dù chưa tốt nghiệp nhưng tất cả sinh viên của khóa học này đều đã được nhận việc. Cách làm như vậy sẽ giúp phụ huynh, học sinh thay đổi nhận thức đối với việc học nghề.

Ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở LĐTBXH cho rằng: “Để làm tốt công tác phân luồng, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, đặc biệt là ngành giáo dục. Ngành LĐTBXH cùng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường thông tin về thị trường lao động, cùng với ngành giáo dục về tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh các trường. Ngoài ra, các phương tiện thông tin đại chúng cần tuyên truyền nhiều hơn về nhu cầu, thực tiễn thị trường lao động để phụ huynh và học sinh hiểu rõ, từ đó có sự lựa chọn chính xác. Nếu làm đồng bộ, sẽ tạo nên sự thay đổi về nhận thức”.

Bài, ảnh: Minh Hiền