Nhiều người phải bỏ mạng một cách thương tâm, oan uổng, để lại nhiều hệ hụy nặng nề cho gia đình họ. Ai không khỏi xót xa khi nhìn hình ảnh em học sinh lớp 9 suy sụp bên thi thể người mẹ là công nhân vệ sinh môi trường, đang làm việc đêm khuya, bị lái xe ô tô 7 chỗ say xỉn gây tai nạn liên hoàn, khiến mẹ em tử vong trên đường Láng, Hà Nội hôm 22/4.  Khoảng một tuần sau, trên đường hầm Kim Liên, Hà Nội, một vụ TNGT tương tự đã xảy ra, khiến 2 phụ nữ tử vong.

Đây chỉ là 2 trong rất nhiều vụ TNGT liên hoàn, gây hậu quả nghiêm trọng, mà nguyên nhân chủ yếu do người điểu khiển phương tiện sử dụng rượu bia, chất kích thích, hay kỹ năng xử lý trên đường kém, không làm chủ tốc độ gây ra ở nhiều địa phương. Tại Thừa Thiên Huế, vụ mới đây nhất xảy ra vào sáng 18/4 trên đường Nguyễn Tất Thành, TX Hương Thủy, khi 3 người phụ nữ đang dừng xe máy bên vệ đường thì bất ngờ bị ô tô BKS 75A-054.59 cùng chiều lao vào gây tai nạn; sau đó ô tô tiếp tục lao lên vỉa hè, tông vào một gốc cây lớn mới chịu dừng lại. Trước đó, cũng từng xảy ra 2 vụ TNGT liên hoàn ở ngã tư Lý Thường Kiệt – Đống Đa; đường Phạm Văn Đồng (TP. Huế) khiến 2 người chết, nhiều người bị thương…

Nếu như những năm 90 của thế kỷ trước và đầu những năm 2000, khi mô tô, xe máy giá rẻ ở một số nước ồ ạt tràn vào Việt Nam, làm gia tăng phương tiện giao thông đường bộ và TNGT do mô tô, xe máy gây ra một cách báo động thì nay, thực trạng đó đang diễn ra với ô tô với hậu quả thảm khốc hơn. Thông tin từ Hội thảo về an toàn phương tiện giao thông 2019 diễn ra sáng 9/3 vừa qua cho hay, phương tiện ô tô đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam, với tốc độ 15%/năm. Trong năm 2018 đã có hơn 300.000 xe ô tô đăng ký mới và xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra…

Trước thực trạng TNGT do ô tô gây ra một cách báo động, ngày 2/5/2019, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến việc sử dụng rượu, bia khi làm nhiệm vụ, điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Giao Tổng cục Đường bộ xây dựng dự thảo Nghị định 46 sửa đổi về xử phạt vi phạm hành chính trong đường bộ, đường sắt, trong đó nghiên cứu tăng mức phạt người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở vượt quá mức cho phép…

Đây là những giải pháp cần thiết. Tuy nhiên, trong thực tế, việc nghiêm cấm lái xe sử dụng rượu bia, chất kích thích khi điều khiển phương tiện đã có, song nhiều người vẫn vi phạm. Điều dễ nhận thấy trước các nhà hàng, quán nhậu, ô tô con vẫn nối đuôi nhau. Tâm lý chung là khi đã sử dụng rượu bia, chất kích thích, con người ta không biết sợ, nên dù có say ngất ngưởng vẫn cho mình là... tỉnh, vẫn "cương quyết" cầm vô lăng điều khiển phương tiện; và một khi không may xảy ra sự cố thì mọi chuyện đã quá muộn. Nên chăng, cần khuyến khích các dịch vụ lái xe đưa người say về nhà như ở Trung Quốc và một số thành thị đã làm, để đảm bảo an toàn.

Điều quan trọng là trước thực trạng phương tiện ô tô đang gia tăng một cách nhanh chóng như hiện nay, đòi hỏi phải có một chiến lược dài hơi trong quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng sát hạch, đào tạo cấp giấy phép lái xe; đặc biệt phải chú trọng đến kỹ năng, đạo đức của người lái xe; nâng cao văn hóa khi tham gia giao thông để hạn chế những vụ TNGT đáng tiếc xảy ra.

Đặng Thành