Bác Võ Ngọc Hùng với nón xương lá
Tâm hồn một nghệ sĩ
Hành trình tìm đến xương lá của bác rất tình cờ, nhưng “mối tình” sét đánh ấy sâu đậm đến nỗi bác quên ngày quên đêm, quên cả nỗi vất vả quá lớn trên đôi vai đã già dặn những tuổi. Chân chất, bác mỉm cười: “Mình đến khu vực Bình Điền để tìm lá. Cứ nơi đâu có lá to, đẹp là phải đến cho bằng được”. Hành trang của bác là chiếc bao, cây sào, dao và đôi giày đi rừng. Một mình băng qua bao bờ bụi, thành quả mang về là đầy ắp những chiếc lá xanh tràn trề nhựa sống.
Hơn một năm tỉ mỉ, thức khuya dậy sớm với cồn, lửa, các loại dung dịch, bác Hùng mới tìm ra bí quyết để ngâm ra xương lá. Lắc lắc chiếc hộp đựng bột banking soda, bác tiết lộ: “Đây là “bí kíp” của bác. Mỗi loại lá tùy độ dày sẽ có cách pha chế và ủ phù hợp”. Ròng rã cả năm trời với hàng trăm thức lá và cách thử nghiệm, nhiều lúc bác cũng chẳng nhận ra mình. Lông tay cháy sém, các vết bỏng chằng chịt, nếp nhăn ngày càng sâu. Cả khi trò chuyện với chúng tôi, bàn tay của bác cũng trắng bệch, vết keo ăn trên da loang lổ.
Những chiếc xương lá bồ đề Tây Tạng trên tay bác Hùng rung rung. Vẻ đẹp thuần khiết nhất của thiên nhiên không phải chao liệng vì cái tuổi 62 của bác, mà là vì niềm xúc động của một người cha khi thấy đứa con của mình chào đời. Hình ảnh ấy gợi nhớ cho chúng tôi về khoảnh khắc đầu tiên khi bác ngâm thành công một chiếc lá.
Hiện nay bác Hùng tâm đắc nhất là lá bồ đề Ấn Độ, và hai loại lá to bản mà chính bản thân bác đã tìm tòi tại rừng nhưng vẫn chưa biết đích tên. Các loại lá khác vì bản chất dễ mục nên không phù hợp để ngâm. Từng lớp lá được bác cẩn thận xếp vào thùng. Ngoài dung dịch đã pha sẵn, thi thoảng bác phải rắc thêm chút banking soda. Những chiếc lá được chèn bằng vật nặng, ngâm từ 30-50 ngày thịt lá sẽ phân rã.
Vất vả nhất có lẽ là chải xương lá. Dùng chiếc bàn chải đánh răng nhỏ xíu, bác Hùng tỉ mẩn, cẩn thận trên chiếc lá mỏng tang. Quy tắc chải là thuận chiều, kỹ lưỡng, vì thế dù cật lực, mỗi ngày bác chỉ chải được tầm 30 chiếc. Một chút sơ sẩy, một đường sống lá bị rách là công sức sẽ đổ sông đổ bể. Nhiều lúc chải, chuyện thở mạnh hay cười to đều là thức xa xỉ.
Để theo đuổi những chiếc lá, bác Hùng phải bán hai chiếc xe đạp đua (là hai người bạn thân thiết và là niềm đam mê của bác). Vốn liếng 30 triệu từ xe đạp cộng với ngọn lửa đam mê của bác khiến chúng tôi nể phục. Phục vì bác dám nghĩ, dám làm, và phục vì sự hy sinh của bác dành cho đam mê của mình.
Cuốn hút
Nhấc chiếc nón lá, chúng tôi nín thở, tưởng những đường gân kia sẽ đứt rời khỏi vành tre. Tự hào, ánh mắt rạng ngời nhìn chúng tôi, bác trấn an: “Nhìn mỏng manh ri chứ không dễ hỏng mô…”. Thật vậy, với kỹ thuật đặc biệt của mình, bác Hùng đã kết nối các xương lá lại với nhau thật tỉ mỉ trước khi mang đi chằm. Ngoài ra, xương lá cũng được “bố trí” trên lớp vải lưới trong cực mỏng. Dưới ánh nắng mặt trời, lớp vải vừa giữ cho chiếc nón chắc bền, vừa tôn lên những đường gân độc đáo.
Là người có tâm hồn nghệ sĩ, yêu nét đẹp nguyên sơ, bản chất, bác Hùng quý trọng màu sắc nguyên thủy từng đường gân. Màu trắng ngà mỏng manh sương khói ẩn chứa sức mạnh kiên cường không hề được tô vẽ. Vì thế, để nón bền với mưa nắng, thay vì chọn lớp dầu nón (làm nón đổi sang màu vàng xỉn), bác chọn sơn bóng PU. Loại sơn này sẽ giữ màu thật của xương lá, vừa tăng độ chống chịu.
Mỗi chiếc nón trung bình dùng 13 chiếc lá to bản. Nón được chằm tay bằng cước trong, mảnh, hạn chế tối đa sự gia công để phô bật vẻ đẹp tự nhiên.
Đăng thông tin trên trang "Tôi và đam mê handmade", ảnh về nón xương lá của bác Hùng đã có hơn 1.000 lượt chia sẻ. Điều đó cho thấy sự độc đáo, sức hấp dẫn của sản phẩm này. Ngoài kỹ thuật làm nón, bác Hùng cũng đang in tranh trên xương lá. Trong thời gian tới, ông sẽ làm thêm quạt, nón thời trang xương lá. Sự đam mê, tỉ mẩn, chất nghệ sĩ đậm đặc của bác Võ Ngọc Hùng giúp nón lá Huế có thêm một dạng thức mới, độc đáo.
Bài, ảnh: Mai Huế