Sinh viên Đại học Huế nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ cho cây xanh

So với các địa phương trong cả nước, Thừa Thiên Huế đứng thứ ba về nguồn nhân lực nòng cốt với sự hiện diện của Đại học Huế, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế và các viện nghiên cứu, bệnh viện lớn. Trong đó, riêng Đại học Huế đã có 8 trường thành viên, hai khoa trực thuộc và có 120 chuyên ngành đào tạo với hơn 43.000 sinh viên. Từ năm 2016 đến nay, với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền và sự tham gia tích cực của Đại học Huế, các trường thành viên và Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, hệ sinh thái KNĐMST của Thừa Thiên Huế ngày càng được hình thành một cách rõ nét. Năm 2018 được đánh giá là năm đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái KNĐMST Thừa Thiên Huế với sự ra đời của nhiều vườn ươm, các không gian làm việc chung và trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở các trường đại học, cao đẳng.

Theo bà Trần Thị Thùy Yên, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Thừa Thiên Huế tuy có thế mạnh về nguồn nhân lực nòng cốt nhưng lại hạn chế tinh thần về khởi nghiệp và mong muốn trở thành doanh nhân. Đây là câu chuyện dài về văn hóa khởi nghiệp, nhưng sẽ tốt hơn nếu các trường đại học, cao đẳng có những chương trình đào tạo phù hợp về KNĐMST để hỗ trợ người dân nói chung, học sinh sinh viên nói riêng hình thành và nuôi dưỡng văn hóa khởi nghiệp, dần coi đây là nhu cầu tự thân của mỗi người. Chính nền tảng này mới cho người dân trở thành những công dân có tinh thần khởi nghiệp, đủ tự tin bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân và theo đuổi giấc mơ nghề nghiệp theo cách KNĐMST.

Tại diễn đàn KNĐMST và phát động cuộc thi KNĐMST 2019 của Thừa Thiên Huế, TS. Nguyễn Trung Dũng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách Khoa Hà Nội (BK-Holdings) dành thời gian chia sẻ về vấn đề giáo dục tinh thần khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng. Theo ông Nguyễn Trung Dũng, kể từ năm 2016, khi Chính phủ đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp, đến nay tinh thần khởi nghiệp của người dân Việt Nam đã phát triển rất cao. Nhưng nhìn một cách tổng thể, hệ sinh thái KNĐMST của Việt Nam mới mạnh phần ngọn với nhiều vườn ươm, nhiều chương trình hỗ trợ được hình thành, trong khi phần gốc lại yếu do thiếu những hạt giống tốt. Những hạt giống ấy chính là những cá nhân, nhóm và doanh nghiệp KNĐMST có chất lượng. Ông Dũng gợi ý: Nền tảng cần phải được xây dựng vững chắc ngay từ đầu bằng cách khơi dậy tinh thần KNĐMST trong mỗi cá nhân, nhóm và tổ chức. Ở nhiệm vụ này, các trường đại học, cao đẳng phải là chủ thể giữ vai trò trung tâm. 

Ông Nguyễn Trung Dũng cũng cho rằng, hiện tại ở các trường đại học, cao đẳng, khi nói về ươm tạo các dự án KNĐMST, việc đầu tiên là tổ chức hội thi. Những trường có điều kiện hơn đã xây dựng được vườm ươm, không gian làm việc chung hoặc thành lập trung tâm hỗ trợ. Tuy nhiên, để việc ươm tạo được thực hiện một cách bài bản phải đảm bảo các bước, như: Kết nối nội dung học thuật với các doanh nghiệp, ươm tạo và thúc đẩy các kết quả nghiên cứu ra thị trường, hỗ trợ kết nối với các vườn ươm khác, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và những hoạt động đầu tư.

Minh chứng cho câu chuyện của mình, ông Nguyễn Trung Dũng chia sẻ về BK-Holdings - mô hình doanh nghiệp lần đầu tiên được phép thành lập tại một trường đại học ở Việt Nam. BK-Holdings ra đời năm 2008, hoạt động bằng cách kết nối tri thức, vốn từ các nhà nghiên cứu khoa học, sinh viên và các doanh nghiệp để thành lập các công ty khởi nghiệp. Đến nay, BK-Holdings đã có 10 đơn vị thành viên. “Những hạt giống của BK-Holdings được tuyển chọn thường xuyên qua các cuộc thi KNĐMST hằng năm, sau đó được huấn luyện kỹ năng và kết nối với các doanh nghiệp. Một trong những điều quan trọng ở BK-Holdings là kết nối các nhà KNĐMST non trẻ với các doanh nghiệp thành đạt. Các trường đại học, cao đẳng hoàn toàn có thể hỗ trợ việc kết nối này để tăng tỉ lệ thành công cho những người KNĐMST non trẻ được dẫn dắt bởi những cố vấn dày dặn kinh nghiệm”, ông Dũng gợi ý.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN