Đó là cửa hàng ăn uống Nam Sông Hương. Cái cảm giác đứng chờ đợi, chen chúc, háo hức khi mua được que kem hồi đó khó mà quên được. Vị kem thơm, cắn vào thanh thanh, tê tê đầu lưỡi, mát lạnh tan chảy vào cổ họng thật dễ chịu.
Ảnh minh họa
Có hai loại là kem thường (kem đá có đường pha vị trái cây) và kem sữa, mỗi thứ mỗi vị riêng nhưng đều rất ngon.
Lúc chờ, mọi người cứ ngước mắt trông vào bên trong cửa hàng và đợi chị mậu dịch viên đẩy xe kem ra cổng để bán. “Có kem rồi”, mọi người đồng loạt reo lên và ùa đến chen chân dưới tán cây trứng cá để mua.
Kem được đặt trong 1 hoặc 2 chiếc thúng (rổ lớn). Mùi kem thơm thật dễ chịu bốc hơi nghi ngút vì mới lấy ra từ máy. Trên tay mọi người đều chuẩn bị sẵn tờ báo, cặp lồng, hộp, túi ni lông, có người dùng cả mũ lưỡi trai (mũ vải), mũ cối (mũ bộ đội), nón mà đựng kem.
Cũng có người đi ngang qua thấy bán kem là tranh thủ chen vào mua, tất nhiên phải lấy vạt áo ra mà đựng.
Ở đời “khi khó” hay “ló ra khôn”, nhiều người mua được kem vội ra đưa cho người gói lại trong báo rồi vội vàng quay lại xếp hàng mua tiếp.
Nhà nào có “liên hoan” cần mua nhiều kem thì phải cử nhiều người trong gia đình cùng xếp hàng chen chân mua.
Thời đó, kem Nam Sông Hương không bao giờ biết đến chữ “ế”. Lắm khi cơ quan nào tổ chức hội nghị , đặt kem để giải khát giữa giờ thì ngày đó không thấy kem bán ở Nam Sông Hương. Ai cũng thích ăn kem này vì đây là cửa hàng của Nhà nước nên được tin tưởng lại còn ngon.
Muốn ăn kem thì phải tích cóp cả tuần, thậm chí cả tháng mới có tiền. Thường thì nhân các dịp gì đó mới dám nghỉ đến chiêu đãi nhau kem Nam Sông Hương.
Chuyện kem thế mà cũng lắm bi hài, buồn cười bởi khi mua được thì mừng lắm nhưng mang về đến nhà thì kem đã tan chảy trơ ra cả que tre, đành phải dùng thìa mà ăn. Có người chen mãi mới mua được, muốn nhanh chân về nhà để còn khoe, nào ngờ vô ý kem rơi hết xuống đất buồn lắm. Cũng có khi thất vọng khi đã đợi hàng tiếng đồng hồ mà không có kem vì cửa hàng thông báo máy hỏng.
Hồi đó ai đến Huế mà chưa thông thạo đường sá thì đều được dặn là cứ hỏi đường và đến đợi ở bưu điện hoặc kem Nam Sông Hương để người nhà đến đón là tiện nhất.
Vô hình chung, kem Nam Sông Hương bỗng nhiên mà trở thành “bến xe - sân ga” của những đợi chờ, đưa đón một thời gian dài. Nhiều người yêu nhau đã chọn kem Nam Sông Hương làm nơi hò hẹn.
Rồi đất nước đổi thay khi đón luồng gió mới từ cơ chế thị trường mang đến. Nhiều “lò” kem tư nhân ra đời. Xuất hiện nhiều cơ sở làm kem thì tất yếu kéo theo hàng loạt lao động có việc làm, hình thành đội quân mà trên vai thường là những thùng xốp mini mang kem đi bán khắp ngõ ngách thành phố, đến cả vùng nông thôn lân cận.
Ngành thương nghiệp lúc đó buộc phải chuyển mình mà cơ cấu, sắp xếp lại bộ máy và phương thức hoạt động cho phù hợp. Kem Nam Sông Hương dần dần thu hẹp rồi mất hẳn trên thị trường ...
Ký ức đẹp về kem Nam Sông Hương thực sự ăn sâu vào tiềm thức một thời. Cửa hàng kem Nam Sông Hương từ đó đến nay đã chuyển giao qua nhiều đơn vị quản lý, sử dụng nên cơ ngơi đã liên tục thay đổi khang trang, bề thế hơn. Thế nhưng, ký ức của một thời thì khó mà quên được.
Phan Lê Minh Phương