Sản xuất hàng dệt may tại Công ty CP Dệt may Huế (Ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Thanh Hương

Xem ra, sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) trong tỉnh vẫn còn yếu.

Theo số liệu thăm dò trong quý 1/2019 (Cục Thống kê Thừa Thiên Huế công bố), có đến 67,86% DN cho rằng yếu tố cạnh tranh của hàng hóa trong nước đã làm ảnh hưởng đến hoạt động của DN trong tỉnh.

Sức cạnh tranh của thị trường ngày càng gay gắt. Một khi DN ở “chiếu dưới” trong hiện tại thì rất khó cạnh tranh lớn mạnh trong tương lại nếu không cải thiện các yếu tố tạo nên sức mạnh của DN.

Yếu tố đầu tiên tạo nên sức cạnh tranh là quy mô DN. Thường DN có quy mô lớn thì có nhiều điều kiện trong cạnh tranh. Đó là quy mô vốn, quy mô thị trường, nguồn nhân lực; có điều kiện đầu tư thiết bị công nghệ để tiết giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm… Nhưng DN ở Thừa Thiên Huế phần lớn là DN vừa và nhỏ, trong đó DN nhỏ và cực nhỏ chiếm tỷ lệ rất cao.

Xem xét một số yếu tố khác tạo nên sức mạnh của DN, cho thấy, DN của Thừa Thiên Huế thiếu nhiều điều kiện để nâng cao sức cạnh tranh. Có đến gần 34% DN cho rằng, thiết bị công nghệ vẫn còn lạc hậu, hơn 21% khó khăn về tài chính. Đã khó khăn về tài chính, thì nguồn vốn chính để DN hoạt động là dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng. Nếu vay với một tỷ lệ cao sẽ là gánh nặng cho DN. Nó giống như một vòng “luẩn quẩn”: càng khó khăn về tài chính thì càng dựa vào vốn ngân hàng - vay nhiều sẽ tạo áp lực ngược lại về tài chính. Mặt khác, những đơn vị đã khó khăn về tài chính không dễ gì vay được vốn, nhưng nếu vay được cũng phải chịu một mức lãi suất cao vì ngân hàng sẽ đánh giá mức độ rủi ro. Có đến hơn 41% DN được hỏi cho rằng lãi suất ngân hàng hiện tại là cao.

Thừa Thiên Huế được mệnh danh là trung tâm giáo dục nhưng có đến 25% DN khi được hỏi nói rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu.

Từ những khó khăn như nêu trên cùng với những yếu tố tạo nên đầu vào khác như chi phí nhiên liệu, điện, tiền lương và các loại bảo hiểm… Hơn 91% DN cho rằng chi phí sản xuất tăng và ổn định so với quý IV/2018, trong đó số DN cho rằng chi phí tăng trên một đơn vị sản phẩm là 44,64%.

Có một điều đáng nói là sự lạc quan của DN về sức cạnh tranh không được cải thiện nhiều. Cũng có thể hiểu, đó là sức cạnh tranh chậm được cải thiện. Ví dụ, trong quí II/2018 khi được hỏi về sức cạnh tranh của hàng hóa thì có đến  65,45% DN cho rằng yếu tố tính cạnh tranh của hàng hóa trong nước cao đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Con số này của quí I/2019 là 67,86. Sự xê dịch về con số không nhiều và có xu hướng ít lạc quan hơn. Số DN “kêu” về lãi suất ngân hàng cao cũng tăng lên, quý II/2018 là 34,55% thì quí I/2019 là 41%.

Ai cũng biết, hoạt động của DN là xương sống của nền kinh tế. DN mạnh thì nền kinh tế mạnh và ngược lại. Rõ ràng, DN ở Thừa Thiên Huế chưa mạnh.

Hơn ai hết, muốn lớn mạnh thì DN phải chủ động cải thiện điều kiện sản xuất kinh doanh của mình. Tuy nhiên, có những điều, một mình DN không thể tự xoay xở được mà cần sự hỗ trợ của chính quyền. Ví dụ như hỗ trợ hạ tầng ngoài hàng rào; cải thiện môi trường hoạt động của DN bằng cải cách mạnh mẽ nền hành chính; hạn chế hoặc tìm biện pháp chấm dứt các chi phí phi chính thức… Tạo ra môi trường kinh doanh tốt và một sân chơi bình đẳng cho mọi DN; giảm chi phí gia nhập thị trường. Ngay như yếu tố nguồn nhân lực, chúng ta cũng phải đánh giá lại công tác đào tạo và có những cải thiện mạnh mẽ hơn nữa, đào tạo nguồn nhân lực phải bám sát thị trường lao động.

Những năm qua, lĩnh vực du lịch có sức tăng trưởng rất mạnh trên toàn quốc. Thừa Thiên Huế cũng như nhiều tỉnh ở khu vực miền Trung cũng nằm trong xu thế này.

Theo dự báo của nhiều nhà hoạt động chuyên nghiệp ở lĩnh vực du lịch, thời gian tới, nguồn nhân lực cho lĩnh vực du lịch sẽ thiếu trầm trọng, đặc biệt những vị trí quản lý cao cấp. Thừa Thiên Huế là một trung tâm du lịch, có lợi thế với hệ thống đào tạo gồm đại học và cao đẳng. Xu hướng, chất lượng đào tạo như thế nào để đáp ứng nhu cầu của thị trường cũng là một lợi thế cạnh tranh của Huế, ví dụ vậy!

LÊ PHƯƠNG