Tuyển sinh đầu vào dễ dãi trong khi cơ sở vật chất vật chất nhiều trường còn lạc hậu, giáo trình đào tạo không được cập nhật; chú trọng lý thuyết hơn là thực hành... Thiếu kỹ năng sống và cả kỹ năng nghề được đào tạo khi chọn trường không theo khả năng, chú trọng đến bằng cấp hơn là yêu cầu của xã hội; tất cả những điều này đã dẫn đến một hệ lụy là tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường thất nghiệp còn cao hơn cả lao động phổ thông và đây là vấn đề đang diễn ra trên một phạm vi rộng. Thừa Thiên Huế cũng không là ngoại lệ.

Tình trạng sinh viên sau khi tốt nghiệp đi tiếp thị, bán hàng, trông trẻ, dạy thêm... hay làm các việc không theo đúng ngành nghề đào tạo mặc nhiên đã là điều bình thường. Những người ít có cơ hội hơn thì đăng ký học văn bằng 2, học tiếp lên thạc sĩ nhưng cơ hội cũng không mở ra cho nhiều người. Trong những cuộc tiếp xúc cử tri ở các phường, xã thuộc thị xã Hương Thủy – nơi có khu công nghiệp Phú Bài, chúng tôi đã nhận được không ít băn khoăn, trăn trở và cả tiếc nuối của cử tri khi con em họ phải cất bằng đại học vào tủ rồi ghi tên đăng ký làm công nhân. Thậm chí, nhiều người còn không dám ghi vào hồ sơ là mình đã tốt nghiệp đại học vì sợ doanh nghiệp không tiếp nhận. Lý do là lao động có bằng cấp như thế dễ nhảy việc hơn khi có cơ hội.
Tỷ lệ thất nghiệp phần lớn nằm trong số đào tạo chuyên nghiệp và một nghịch lý là một bên ra trường không có việc làm, một bên lại không tuyển được học sinh, sinh viên ở trung học và cao đẳng nghề là điều mà ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội đã đưa ra trong cuộc làm việc với đoàn giám sát thuộc Ban Văn hóa Xã hội (HĐND tỉnh) tuần qua. Một con số khác, nếu năm 2013, cả tỉnh có 1.600 sinh viên hệ cao đẳng và 1.100 học sinh hệ trung cấp nghề thì đến nay, con số này mới chỉ là 42 và 173. Ví dụ cụ thể nhất là DN Hoàn Nguyễn đang tuyển 5 công nhân và Công ty cơ khí Phú Xuân tuyển lao động nhưng không có hồ sơ dự tuyển. Ông Quang cũng cho hay, nhiều sinh viên đại học có nghề nhưng không chỉ muốn tìm việc ở các cơ quan, DN nhà nước và không muốn vào các DN tư nhân, cho dù tiền lương và các khoản bảo hiểm xã hội là như nhau. Sợ bất ổn, ngại rủi ro có lẽ là vấn đề mấu chốt ở đây.
Đã có một sự thay đổi lớn về quan điểm sống trong chọn nghề, trong tìm việc làm và cả tự giải quyết việc làm bằng nhiều cách khác nhau trong những người trẻ. Trước khi cần một chính sách ở tầm vĩ mô, có lẽ điều quan trọng nhất là sự đánh giá đúng khả năng, cơ hội của chính bản thân mỗi người khi trang bị và tìm một việc làm hợp lý trong cuộc sống, ít nhất thì để bản thân mình không rơi vào vòng xoáy dư thừa như vẫn đang diễn ra.
Hạnh Nhi