Mới đây, đến một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn TP. Huế để giao dịch, chúng tôi nghe được việc một phụ nữ trẻ bị lừa tiền. 

Sáng 26/4/2019, chị đến ngân hàng nhờ kiểm tra các giao dịch qua thẻ tín dụng và cho hay: Đang giữa đêm thì nhận được tin nhắn của em trai đang làm việc ở TP. Hồ Chí Minh qua kênh zalo, báo tin vừa mua hai món hàng qua mạng nhưng không có tiền để trả, nhờ chị gái gửi tiền vào tài khoản bán hàng gấp. Theo yêu cầu từ tin nhắn, chị chuyển tiền vào tài khoản được hướng dẫn. Chuyển xong số tiền gần 7 triệu đồng, chị điện thoại hỏi em trai mới biết đã bị lừa.

Sáng hôm sau, chị đến ngân hàng nhờ chặn số tiền chị đã chuyển vào tài khoản lạ. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng cho hay, thông thường, những phi vụ lừa đảo như thế đã được tính toán kỹ, trót lọt. Khi nạn nhân báo với ngân hàng để can thiệp, ngăn chặn thì đã muộn.

Với vẻ mặt bần thần, nạn nhân cho hay, đã từng nghe về việc bị lừa trên mạng xã hội nhưng đến khi chính mình bị gài bẫy lại mất cảnh giác. Chị không ngờ việc bị lừa lại dễ dàng như vậy.

Mới đây, ngày 28/4/2019,  Công an thành phố Vinh (Nghệ An) đã triệt phá đường dây lừa đảo, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng liên quan đến 13 đối tượng.

Theo cơ quan chức năng, các đối tượng lừa đảo bằng cách lên mạng xã hội, dò mật khẩu facebook người khác, nghiên cứu mối quan hệ giữa chủ facebook với những người khác thông qua các tin nhắn trò chuyện. Sau đó, chúng chiếm quyền sử dụng bằng cách thay đổi mật khẩu rồi dựng lên màn kịch vay tiền, mượn tiền vì có việc cấp bách. Trung bình, mỗi nạn nhân bị lừa từ 50-100 triệu đồng, có nhiều nạn nhân bị lừa hơn 300 triệu đồng. Người bị lừa ở khắp mọi nơi, thậm chí là người ở nước ngoài.

Qua sao kê trong máy điện thoại và máy tính của kẻ cầm đầu, công an phát hiện có gần 400 tài khoản đã bị hack. Lượng tiền bị lừa chuyển khoản giao dịch lên đến 10 tỷ đồng.

Trước đó, ngày  15/3/2019, Công an TP. Huế  đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Võ Anh Duy, trú tại TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Với thủ đoạn lập tài khoản zalo mạo danh, Võ Anh Duy  kiểm soát máy tính,  sử dụng facebook của anh Đ. (trú tại huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế), nhắn tin cho bạn bè nạn nhân, để mượn tiền.

Với thủ đoạn này, 2 người bạn của anh Đ. trên facebook bị “sập bẫy” và chuyển hơn 4 triệu đồng cho Võ Anh Duy.

Cuối năm 2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh cũng đã khởi tố Lương Đài Luân (trú tại TP. Đông Hà, Quảng Trị) về hành vi chiếm đoạt tài khoản facebook của người khác để lừa đảo. 

Thông qua mạng xã hội facebook, Luân làm quen, rồi chiếm tài khoản facebook của chị H., nhắn tin cho em chị H. nói đang cần card điện thoại gấp. Em chị H. vội mua hơn 30 thẻ cào tổng cộng 5 triệu đồng rồi nhắn mã số. Đến sáng hôm sau, khi chị em H. gặp nhau mới biết đã bị lừa.

Năm 2017, Công an tỉnh cũng đã bắt giữ Trần Long Hạc (23 tuổi) và Võ Thị Tuyết Nhi (trú tại tỉnh Quảng Trị) về hành vi chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet với thủ đoạn tương tự, lừa hàng trăm người chơi facebook, chiếm đoạt số tiền gần 1 tỷ đồng.

Những vụ việc trên một lần nữa cảnh báo về những mối nguy trên mạng xã hội. Ngày nay, mạng xã hội trở thành phương tiện giao dịch hữu ích, tiện lợi. Tuy nhiên, người sử dụng cần cảnh giác, đừng để bị lợi dụng, lừa đảo.

Thật chua xót khi chiêu thức lừa đảo không mới, nhưng thực tế, vẫn có nhiều người “sập bẫy” vì chủ quan, dẫn đến việc phải nếm “trái đắng” khi tham gia mạng xã hội. 

Nhật Nguyên