Các thành viên tổ bay của hãng hàng không mới của Việt Nam - Bamboo Airways. Ảnh: AFP
Tờ Financial Times trích dẫn báo cáo của Euromonitor năm 2017 cho biết, du lịch hàng không nước ngoài ở Việt Nam trong năm ngoái tăng nhanh hơn bao giờ hết và du lịch nước ngoài từ Việt Nam nói chung đã tăng trưởng từ 10% - 15% trong vài năm qua. Điều này tương tự như ở Trung Quốc - nơi thu nhập khả dụng tăng cao là một trong những yếu tố chính thúc đẩy sự gia tăng du lịch nước ngoài.
Hồi tháng 2/2019, Cục Hàng không liên bang Hoa Kỳ đã cấp chứng nhận đạt năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1) cho Cục Hàng không Việt Nam, mở ra cơ hội cho 3 hãng hàng không nội địa, trong đó có hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, sớm bắt đầu các chuyến bay thẳng đến Mỹ. Việc này có thể cắt giảm thời gian đi lại đến 8 tiếng đồng hồ.
Trong khi đó, 2 hãng còn lại là hãng hàng không giá rẻ Vietjet và Bamboo Airways, trong tháng 2 cũng đã ký một thỏa thuận hàng không trị giá 20,9 tỷ USD với các công ty Mỹ là Boeing và GE khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Hà Nội trong hội nghị thượng đỉnh lần hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Là nơi sinh sống của 2 triệu người Việt Nam, Mỹ là điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và động thái này chắc chắn sẽ tăng cường mối quan hệ giữa hai nước. Theo Cơ quan quản lý du lịch Việt Nam, có khoảng 690.000 người đã đi từ Mỹ về Việt Nam vào năm 2018, tăng 12% so với năm 2017 và 60% so vớinăm 2014.
Du lịch nước ngoài tăng cao
Theo truyền thông Việt Nam, các đại lý du lịch cho biết đã nhận được thêm 20%-30% đặt chỗ đi du lịch nước ngoài trong năm 2018 so với năm 2017.
The ASEAN Post cho rằng, du lịch nước ngoài tăng lên là kết quả của sự phát triển kinh tế thuận lợi và sự mở rộng của tầng lớp trung lưu. Một thế hệ trẻ giàu có hơn giờ đây muốn nhìn ra thế giới, do đó họ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để trải nghiệm những điểm đến mới, ông Nguyễn Công Hoan, phó tổng giám đốc của Hà Nội Redtour cho biết.
Trong khi đó, một báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor cho thấy du khách Việt Nam đã thực hiện 7,5 triệu chuyến đi nước ngoài trong năm 2017, trong đó Trung Quốc là điểm đến hàng đầu, tiếp theo là Campuchia và Thái Lan. Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, khách du lịch Việt Nam đã chi 8 tỷ USD trong năm 2016 (năm gần nhất có dữ liệu) - con số này cao hơn gấp đôi so với 3,5 tỷ USD mà họ bỏ ra trong năm 2012.
Bên cạnh du lịch nước ngoài, du lịch trong nước ở Việt Nam cũng chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ. Điều này được cho là do sự gia tăng về số lượng và sự sẵn có của các hãng vận chuyển giá rẻ như VietJet, Bamboo Airways và AirAsia.
Gia tăng tầng lớp trung lưu
Các nhà phân tích cho rằng, nhờ nhu cầu nội địa gia tăng và sản xuất định hướng xuất khẩu mạnh mẽ đã giúp Việt Nam duy trì đà tăng trưởng ổn định. Theo ước tính của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, số lượng người Việt trung lưu sẽ đạt mốc 44 triệu vào năm 2020 và 95 triệu vào năm 2030.
Thông qua các cơ hội kinh tế này, tăng trưởng việc làm sẽ tiếp tục được duy trì, với 1,6 triệu việc làm mới được bổ sung trong lĩnh vực sản xuất từ năm 2015 đến 2018, và 700.000 việc làm thêm trong ngành xây dựng, bán lẻ và khách sạn, dẫn đến tổng năng suất lao động cao hơn. Sự gia tăng nhu cầu lao động cũng góp phần làm tiền lương tăng nhanh chóng, với mức tăng 15% từ năm 2014 đến 2016.
Theo Nielsen, du lịch là một trong ba sở thích hàng đầu của những người Việt giàu có, bên cạnh nhu cầu đi ăn uống và mua sắm quần áo mới. Những phát hiện này dựa trên một cuộc khảo sát với người tiêu dùng trong độ tuổi từ 30-55 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hai thành phố lớn nhất nước.
Bảo Nghi (Lược dịch từ The ASEAN Post)