Mà đâu chỉ cá dìa, món ngon đến từ vùng Tam Giang – Cầu Hai còn là cá hanh, cá bống, cá vược, cá đối, cá nâu, cá vẩu… Ngay cả tôm, cua tự nhiên vùng đầm phá cũng là một dư vị khác, thanh tao đến khó trộn lẫn và với không ít người, các món thủy hải sản vùng nước lợ này đã trở thành “miếng ngon nhớ mãi”, cũng như luôn được nằm trong danh sách đi chợ hàng ngày không chỉ của các nhà hàng đặc sản mà cả các bà nội trợ “biết mua”. Tôi còn thấy một cái hay khác là các đặc sản này luôn ở mức vừa ăn chứ không thiên về độ dày hay kích cỡ. Không biết có phải vì đặc sản dưới nước ở đây vốn thế, hay vì sự lựa chọn bao giờ cũng thiên về vừa đủ rất tinh tế của người xứ Huế.

Cũng là nói vậy thôi chứ bây giờ, ngoại trừ việc các nhà hàng luôn đặt sẵn, việc chọn mua tôm cá tự nhiên vùng Tam Giang gần như không dành cho người đi chợ muộn. Điều này đến từ nhu cầu về danh tiếng và sự ưu tiên trong các bảng thực đơn phục vụ khách du lịch, nhưng mặt khác cũng phải thừa nhận rằng, trữ lượng tôm cá và các sản vật vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai đã không còn được như xưa. Sản lượng chỉ còn vào khoảng 60% so với trước kia theo đánh giá mới nhất trong bản báo cáo sơ kết 2 năm việc phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển và đầm phá ngày 22/4/2019 của Tỉnh ủy. Có lẽ đó cũng là điều khó trước những tác động về xã hội, môi trường và có thể cả về tác động chưa thể đong đếm một cách chính xác về biến đổi khí hậu. Cũng không ai có thể đoan chắc một điều gì về “con cá dưới nước/con chim bay trên trời” nếu không có sự cân đối hài hòa giữa phát triển và đánh bắt. Chưa kể những tác động tiêu cực của con người khi sử dụng nhiều phương thức mang tính tận diệt khác nhau chưa quản lý và kiểm soát hết. Tôi cứ nghĩ, đó cũng là câu trả lời của thiên nhiên trước hành vi và ứng xử của con người.

Vai trò, vị trí cũng như nguồn lợi của vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai là điều đã được xác lập; nhưng vấn đề là ở chỗ chúng ta không thể để vùng tài nguyên này cứ phát triển tự nhiên như vốn có. Câu chuyện ở đây là việc rà soát, quy hoạch và khoanh nuôi như thế nào để vùng Tam Giang – Cầu Hai trở thành vùng nguyên liệu cho ẩm thực Huế, phục vụ tốt hơn nữa cho du lịch – dịch vụ. Đó là một lát cắt kinh tế khác đến từ chia sẻ của ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư – một người vốn có nhiều năm gắn bó với vùng đầm phá mạn Phong Điền.

Trong một liên quan khác, ông Nguyễn Đại Vui còn cho hay, vấn đề cơ bản còn là việc kết nối giữa nuôi trồng và chế biến nữa. Công ty cổ phần CP đứng chân rất lâu ở Phong Điền, nhưng nguyên liệu tại chỗ mới chỉ đáp ứng được 1/10. Phần sản phẩm còn lại được chở từ nơi khác về để chế biến. Điều ấy cũng cho thấy một thực tế là mặc dù chiếm một diện tích rất lớn, đến 22.000ha nhưng cho đến bây giờ, tài nguyên vẫn được nhận biết ở dạng “con cá dưới nước” mà thôi…?

MINH HÀ