Du khách tham quan đèn lồng Cố đô tại Festival Nghề truyền thống Huế 2019

Chiếm tỷ lệ rất ít

Mới đây, lãnh đạo tỉnh và các cơ quan liên quan tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành một số điểm du lịch ở TP. Huế; trong đó, có các điểm bán hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch. Qua chuyến kiểm tra này, thực tế được chỉ ra là các mặt hàng lưu niệm đặc trưng của Huế rất ít được bày bán, thậm chí, ở một số quầy không có bất kỳ một sản phẩm nào.

Trên các thuyền rồng hiện nay, hàng lưu niệm được giới thiệu, bày bán rất nhiều, từ áo quần, đồ gỗ, đồ đồng… Chủ thuyền rồng mang biển soát TTH - 0030 cho biết, tất cả các mặt hàng được bày bán trên thuyền đều được lấy từ chợ Đông Ba. Về nguồn gốc xuất xứ, chính chủ thuyền này cũng không biết. “Qua quá trình kinh doanh, những mặt hàng được khách ưa chuộng thì tôi mua về bán, chứ chưa chủ đích mua các mặt hàng lưu niệm đặc trưng, xuất xứ ở Huế”, người chủ thuyền cho biết.

Gốm Phước Tích có mẫu mã đẹp, nhưng giá thành thường cao hơn so với thị trường nên rất khó cạnh tranh

Tại các điểm bán hàng lưu niệm ở chùa Thiên Mụ, bến xe Nguyễn Hoàng, các lăng tẩm… cũng rất khó để mua được những sản phẩm đặc trưng của Huế. Chủ một quầy bán hàng lưu niệm ở chùa Thiên Mụ bộc bạch, từng lấy các mặt hàng của Huế để bán, mẫu mã có sắc sảo hơn, tuy nhiên, giá thành lại cao hơn rất nhiều, nên khách ít mua. Như các mặt hàng về chất liệu đồng, dù Huế rất nổi tiếng với nghề đúc đồng ở Phường Đúc, nhưng chủ yếu các mặt hàng được nhập nơi khác về. Mặt khác, nhiều sản phẩm lưu niệm ở Huế cồng kềnh, kích thước lớn, chưa đáp ứng nhu cầu của đại đa số du khách.

Anh Phạm Văn Phúc, cơ sở sản xuất hàng lưu niệm đồ gỗ HP Design cho biết, qua khảo sát, so với một số sản phẩm được cơ sở sản xuất, các sản phẩm được bày bán trên thị trường có giá chỉ bằng nửa, thậm chí còn rẻ hơn. Do đó, để sản xuất đại trà và cạnh tranh với những sản phẩm đang có sẵn, chắc chắn sẽ không “đánh” lại. Do đó, cơ sở chủ yếu làm các sản phẩm theo đơn đặt hàng của các đối tác.

Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch nhìn nhận, các sản phẩm lưu niệm nhỏ gọn, đơn giản mang tính đại trà ở Huế vẫn chưa có. Trong khi đó, các mặt hàng lưu niệm có giá trị về văn hóa ở Huế chưa phù hợp với du khách khi di chuyển. Bên cạnh đó, giá thành các mặt hàng lưu niệm ở Huế cao chính là hai lý do cố hữu khiến các mặt hàng khó gần với du khách.

Cần có cơ chế hỗ trợ

Nhiều năm qua, ngành công thương luôn có những hỗ trợ bằng vốn khuyến công để các mặt hàng lưu niệm truyền thống có cơ hội hồi sinh và phát triển, tăng khả năng phục vụ khách. Theo các doanh nghiệp du lịch, bên cạnh các dòng sản phẩm có tính thẩm mỹ, cao cấp trên thì du lịch Huế cần thêm những sản phẩm giá thành phù hợp, có tính công chúng nhiều hơn.

Một số mặt hàng lưu niệm của Hà Nội được trưng bày tại Festival Nghề truyền thống Huế 2019

Ông Lê Ngọc Sanh cho hay, khá nhiều cuộc thi về thiết kế hàng lưu niệm phục vụ du lịch được tổ chức, tuy nhiên, số lượng các mặt hàng có tính ứng dụng vẫn ít. Những sản phẩm đạt giải cầu kỳ, giá thành cao, nên không thể sản xuất đại trà. Trong khi đó, các sản phẩm đơn giản hơn, phù hợp với nhu cầu của du khách thì không được giải thưởng, nên chưa tiếp cận được những cơ chế, chính sách ưu đãi để phát triển.

Anh Phạm Văn Phúc cho hay, năm 2018, ngành công thương có đưa cơ sở vào danh sách cung cấp vốn phát triển, nhưng theo quy định cơ sở phải đối ứng vốn 50%, do chưa đủ lực nên cơ sở chưa nhận để đầu tư mở rộng sản xuất. Nhưng quan trọng vẫn là đầu ra ổn định của sản phẩm mới có thể mở rộng quy mô, đầu tư kỹ thuật.

Lãnh đạo ngành du lịch cho rằng, để các mặt hàng lưu niệm “sống” được thì cần có chính sách hỗ trợ tốt hơn, chẳng hạn như được giới thiệu và bày bán ở các điểm thuộc quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước. Chứ như hiện nay, để “lọt” chân vào một số điểm, các hàng lưu niệm Huế phải tốn phí mặt bằng, tiền thuế… Như ở phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, các mặt hàng lưu niệm Huế rất khó chen chân vào. Điều này càng làm tăng giá sản phẩm và càng khó để du khách bỏ tiền để mua.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG