Dòng sông trở nên rộng hơn, sâu hơn

Ông Trần Văn Thạnh, người dân làng Lại Bằng cho biết, trước khi cấp mỏ cho Cty Tuấn Hải, vùng thượng nguồn sông Bồ ngồi trên thuyền là thấy đáy sông. Có những đoạn, tàu thuyền chở nặng, người phải xuống đẩy thuyền. Riêng khe Băng chỉ là một khe nước nhỏ.

Sạt lở nặng phía thượng nguồn sông Bồ (địa phận Hương Trà). Ảnh chụp sáng 9/5

“Nay, đáy sông không thấy, khe Băng thì đã thành một dòng sông. Tình trạng khai thác cát sạn rầm rộ khiến dòng sông trở nên rộng hơn, sâu hơn. Trước đây, dọc bờ sông có một hàng tre, nhưng giờ chẳng còn cây nào do đã bị lũ cuốn trôi hết. Với độ sâu của sông Bồ như hiện nay, đến mùa mưa lũ, đất đai dọc 2 bên bờ sông tiếp tục sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân 2 bên bờ sông”, ông Thạnh nói.

Thêm vào câu chuyện, bà Nguyễn Thị Nở, làng Lại Bằng khẳng định: “Khi chưa đóng cọc tre, hàng ngày có đến cả trăm chuyến đò chở cát, sỏi xuôi trên sông Bồ. Trong đó, có nhiều tàu chở đến 50 khối cát. Lượng khai thác như vậy thì cát còn đâu nữa, có chăng chỉ là cát từ trên bờ sạt xuống thôi. Chúng tôi mong chính quyền rút giấy phép khai thác của Cty Tuấn Hải để bà con được nhờ. Và người dân Lại Bằng sẽ không còn “cực chẳng đã” phải đóng cọc tre nữa”.

Ý kiến của người dân tại buổi đo độ sâu sáng 9/5

Công ty Tuấn Hải đã khai thác vượt độ sâu được cấp phép nhiều lần

Để giám sát việc đo đạc của Trung tâm kỹ thuật công nghệ thông tin Tài nguyên & Môi trường (Trung tâm), sáng 9/5, người dân 2 xã Phong Sơn và phường Hương Vân đã chuẩn bị dây cước, gạch và thước dây nhằm đối chiếu với máy đo do Trung tâm triển khai. Qua thực tế đo đạc, kết quả 2 bên tương đồng nhau, chỉ xê xích vài phân và kết quả này được người dân có mặt nhất trí.

Người dân đo độ sâu bằng phương pháp thủ công tại khu vực mỏ được cấp phép của Cty Tuấn Hải

Ông Trần Văn Hòa, Bí thư, Tổ trưởng tổ dân phố Lại Bằng 2 (Hương Vân – Hương Trà) cho biết, từ kết quả đo đạc, bình quân độ sâu từ 2 mỏ nói trên và ngoài mỏ (dài khoảng gần 1,5km) từ 9m đến 16m. Độ sâu thấp nhất là 7m và cao nhất là 24m - 24,5m.

"Với độ sâu này, Cty Tuấn Hải đã khai thác vượt độ sâu được cấp phép nhiều lần và lượng cát trong khu vực mỏ không còn nữa nên lợi dụng mỏ được cấp phép, nhiều đối tượng đã lén lút khai thác ngoài mỏ, gây nên tình trạng sạt lở trầm trọng từ chân đập thủy điện Hương Điền đến trạm bơm Lại Bằng, trong đó có có 4 nơi sạt lở nghiêm trọng (đã có biển cảnh báo), ông Hòa khẳng định.

“Gần đây, chúng tôi theo dõi và đã bắt 3 đò khai thác gần trạm bơm Lại Bằng. Dân làng chúng tôi đề nghị các ngành chức năng kiểm tra lại giấy phép cấp mỏ và trữ lượng cấp mỏ. Nếu trữ lượng khai thác vượt quá giấy phép khai thác thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm", ông Hòa nói.

Trả lời câu hỏi về độ sâu 2 mỏ cát sạn tại bãi bồi Lại Bằng và mỏ cát sạn lòng sông tại khe Băng (đều thuộc P. Hương Vân – TX. Hương Trà) của Công ty TNHH MTV xây dựng giao thông Tuấn Hải (Cty Tuấn Hải) trước khi được cấp phép, chiều 9/5, ông Phan Văn Thông – Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường cho biết, hiện bộ phận chức năng của Sở đang tiến hành đo đạc ở hai khu vực mỏ nói trên, sau khi có kết quả chính thức sẽ công bố độ sâu trước khi được cấp phép khai thác và ở thời điểm hiện tại để đối chiếu, so sánh.

Chuẩn bị các bước để đo độ sâu của lực lượng chức năng thuộc Sở Tài nguyên & Môi trường

Liên quan đến chuyện đo đạc, có dư luận cho rằng, ngày 7 và 8/5, Trung tâm khi tiến hành đo đạc độ sâu 2 mỏ cát được cấp phép của Cty Tuấn Hải đã không thông báo với chính quyền và người dân địa phương để cùng giám sát theo đúng kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, ông Thông khẳng định, đã chỉ đạo các bộ phận liên quan của Sở thông báo đến phòng chức năng của huyện Phong Điền và TX. Hương Trà về thời gian, địa điểm để những nơi này triển khai đến người dân.

“Do cấp bách nên anh em chủ yếu liên lạc qua điện thoại về thời gian, địa điểm tập trung. Ngày 7/5, khi đo đạc vẫn có sự chứng kiến, giám sát của Phòng Tài nguyên & Môi trường TX. Hương Trà cùng một số người dân địa phương. Nhưng ngày 8/5 không hiểu vì sao người dân và những bộ phận liên quan bên phía xã Phong Sơn (Phong Điền) không có mặt nên hôm nay (ngày 9/5), bộ phận kỹ thuật của Sở tiến hành đo lại cho khách quan”, ông Thông nói.

Qua trao đổi, ông Nguyễn Văn Tùng – Phó Trưởng Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Phong Điền cho biết, ban đầu có nhận được thông báo của Sở Tài nguyên & Môi trường để cùng người dân đi đo đạc. "Tuy nhiên, khi đến thời điểm xuất phát thì không nghe bên phía các phòng chức năng của Sở gọi lại để khẳng định thời gian, địa điểm tập trung cụ thể. Phải cụ thể thì chúng tôi và bà con mới biết để cùng đi chứ”, ông Tùng nói

Một số hình ảnh đo độ sâu của Trung tâm kỹ thuật công nghệ thông tin Tài nguyên & Môi trường và người dân Phong Sơn, Hương Vân ngày 9/5:

Người dân Lại Bằng theo chân lực lượng chức năng, chính quyền địa phương giám sát việc đo độ sâu tại khu vực mỏ được cấp phép của Cty Tuấn Hải

Để đo độ sâu, người dân dùng dây cước cột gạch thả xuống đáy sông

Sau đó dùng thước dây đối chiếu độ sâu

Trong lúc đó, thành viên của Trung tâm kỹ thuật công nghệ thông tin Tài nguyên & Môi trường tiến hành lắp các hệ thống định vị trên đồi để tiến hành đo độ sâu ở những vị trí khác nhau

Ghi lại thông số trên máy tính bằng điện thoại và camera

Đông đảo người dân giám sát việc đo đạc

Tại buổi đo độ sâu khu vực mỏ được cấp phép của Cty Tuấn Hải sáng 9/5

Theo Quyết định số 38/QĐ-UBND ngày 22/8/2016 do nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao ký, Cty Tuấn Hải được cấp phép khai thác khoáng sản cát, sỏi tại khu vực khe Băng thuộc phường Hương Vân (Hương Trà) và xã Phong Sơn (Phong Điền)  với diện tích 7,2ha. Theo đó, trong 5 năm, Cty được khai thác với trữ lượng là 188.300m3. Công suất khai thác 37.660m3/năm. Độ sâu được khai thác đến cosd thấp nhất = -0,2 (chiều dày trung bình 2,9m tính từ bề mặt địa hình của mỏ).

Nhân Hải (Thực hiện)