Phương Dung và Quốc Huy thử giấy nghệ lên chả

Cách để làm loại giấy này khá đơn giản. Phương Dung cho biết: “Chúng em dùng nghệ tươi, làm sạch vỏ, sau đó giã nhuyễn. Tiếp đến, cho vào cối nghệ ancol etylic (cồn) 960. Chờ khoảng 3 phút, lọc dung dịch thật sạch rồi ngâm giấy vào, thế là cơ bản hoàn thành”.

Ban đầu, hai bạn nhỏ chỉ thử nghiệm với chả có hàn the. Dung kể: “Chúng em chỉ nhắm vào một đối tượng. Sau này, do tính bức thiết của đề tài, và mong muốn tìm kiếm một giải pháp để mọi người có thể bảo vệ mình trước thực phẩm bẩn, đối tượng mà chúng em nghiên cứu mới được mở rộng”.

Cách thức hoạt động của thanh giấy nghệ rất đơn giản. Đối với chả, curcumin trong nghệ tác dụng với hàn the nên đổi màu. Riêng với formol và ure, cách phát hiện sẽ gián tiếp thông qua độ ươn của thịt, cá. Quốc Huy phân tích: “Thông thường người bán sẽ dùng fomol để làm đông thịt, urê để ướp cá. Biến những sản phẩm đã ôi thành tươi, bắt mắt. NH3 và một số chất khác xuất hiện khi thịt, cá phân hủy (cụ thể là protein phân hủy). Khi curcumin phản ứng, chuyển màu cam thì có thể thịt, cá đã được ướp fomol và ure”.

Với các sản phẩm còn sống hoặc đã chín, chỉ cần áp giấy lên bề mặt sản phẩm là có thể phát hiện có chất bảo quản hay không. Điều kiện hoàn hảo nhất là thực phẩm đủ độ ẩm, nếu quá khô, chỉ cần cho chút nước cất, hoặc nước máy sạch thấm vào thực phẩm là có thể kiểm tra ngay.

Đây là loại giấy mà người dân có thể tự làm ở nhà. Nếu bảo quản tốt thời gian sử dụng từ 20 - 30 ngày. Sở dĩ phải dùng ancol etylic 960 là vì với nồng độ này, tỉ lệ hòa tan của chất chỉ thị màu là cao nhất. Sau khi ngâm thấm, que giấy được phơi nơi râm mát hoặc sấy khô. Quốc Huy lưu ý: “Nếu phơi nắng, giấy sẽ đổi màu loang lổ. Vì vậy, chúng em phải phơi cẩn thận để thành phẩm đạt hiệu quả chỉ màu cao”. Ngoài ra, để đảm bảo độ chính xác, loại giấy thấm phải là giấy nguyên bản, chưa qua quá trình tẩy trắng.

Theo thầy giáo Trần Như Ý, giáo viên dạy môn hóa học, cũng là người hướng dẫn đề tài, chất chỉ thị màu trong giấy nghệ có thể là curcumin. Thầy Ý khẳng định: “Đề tài này ai cũng có thể ứng dụng vào đời sống, từ đó góp phần bảo vệ sức khỏe cho mọi người”.

Đề tài của Phương Dung và Quốc Huy có thể giúp người dân tự làm thanh thử thực phẩm nghi chứa formol, hàn the, ure. Đương nhiên độ chính xác của nó không thể so với bộ kit kiểm tra an toàn thực phẩm của cơ quan chuyên trách. Tuy nhiên, trong một giới hạn nào đó, mọi người có thể bảo vệ mình trước thực phẩm bẩn. Đề tài đoạt giải nhì tại Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XII, năm 2019.

Bài, ảnh: Mai Huế