Mọi khâu trong việc làm đề thi, in sao, bảo mật đề thi THPT quốc gia đều có sự giám sát chặt chẽ của công an, thanh tra. Ảnh: T.L

Giữ bí mật tuyệt đối người ra đề thi

Chưa đầy 2 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi THPT quốc gia 2019. Hiện nay mọi khâu tổ chức kỳ thi quan trọng này đang được gấp rút chuẩn bị. Một trong những khâu nhận được sự quan tâm của nhiều thí sinh và phụ huynh là việc ra đề thi. Những câu hỏi: Ai là người ra đề? Đề thi được bảo quản ra sao?, được nhiều người đặt ra.

Theo quy định của Bộ GDĐT, danh sách những người tham gia làm đề thi sẽ được giữ bí mật. Người tham gia làm đề cũng không được tiết lộ việc mình tham gia làm đề thi.

Nơi làm đề thi phải là một địa điểm an toàn, kín đáo, biệt lập và được bảo vệ nghiêm ngặt suốt thời gian làm đề thi, có đầy đủ điều kiện về thông tin liên lạc, phương tiện bảo mật, phòng cháy, chữa cháy.

Tất cả mọi người tham gia làm đề thi từ khi tiếp xúc với đề thi đều phải hoàn toàn cách ly với môi trường bên ngoài, không được dùng điện thoại cố định hoặc điện thoại di động hay bất kỳ phương tiện thông tin liên lạc nào khác.

Trong trường hợp cần thiết, chỉ Trưởng ban Đề thi mới được liên hệ với Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh bằng điện thoại cố định dưới sự giám sát của cán bộ bảo vệ. Cán bộ tham gia biên soạn, phản biện đề thi và những người phục vụ Ban Đề thi tại nơi làm đề thi chỉ được ra khỏi khu vực cách ly sau khi đã thi xong môn cuối cùng của kỳ thi.

Theo quy định thì đề thi, hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm chưa công bố thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ “Tối mật”. Người làm lộ đề thi, mua, bán đề thi sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Quy trình ra đề thi trắc nghiệm

Tại Khoản 7 Điều 1 Thông tư 03/2019/TT-BGDĐT sửa đổi Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT có quy định, quy trình ra đề thi THPT quốc gia 2019 như sau: Căn cứ yêu cầu của đề thi, mỗi Tổ ra đề thi có trách nhiệm soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án, hướng dẫn chấm thi (chính thức và dự bị) cho một bài thi/môn thi.

Riêng đối với đề thi trắc nghiệm, ngân hàng câu hỏi thi theo hướng chuẩn hóa được xây dựng theo quy định của Bộ GDĐT là nguồn tham khảo quan trọng để soạn thảo đề thi theo quy trình, gồm các bước:

Chủ tịch Hội đồng ra đề thi giao cho một thư ký vòng trong của Hội đồng dùng phần mềm chuyên dụng rút ngẫu nhiên các câu hỏi thi trắc nghiệm từ Ngân hàng câu hỏi thi và chuyển cho các Trưởng môn đề thi.

Sau đó, trưởng môn đề thi của từng môn thi phân công các thành viên trong Tổ ra đề thi thẩm định từng câu hỏi thi trắc nghiệm. Tổ ra đề thi làm việc chung, lần lượt tinh chỉnh từng câu trắc nghiệm và tổ hợp thành đề thi.

Sau khi tinh chỉnh lần cuối, Trưởng môn đề thi ký tên vào các đề thi và bàn giao cho Chủ tịch Hội đồng ra đề thi. Cán bộ Hội đồng ra đề thi thực hiện khâu trộn đề thi thành nhiều phiên bản khác nhau.

Công đoạn tiếp theo là Tổ ra đề thi rà soát từng phiên bản của đề thi, đáp án, hướng dẫn chấm thi và ký tên vào từng phiên bản của đề thi.

Phản biện đề thi

Sau khi soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh, các đề thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức phản biện độc lập. Các cán bộ phản biện đề thi có trách nhiệm đọc, giải đề và đánh giá đề thi; đề xuất phương án chỉnh lý, sửa chữa đề thi nếu thấy cần thiết.

Ý kiến đánh giá của các cán bộ phản biện đề thi là một căn cứ để Chủ tịch Hội đồng ra đề thi tham khảo trong việc quyết định duyệt đề thi.

Sau khi việc ra đề thi hoàn tất, đề thi sẽ được chuyển tới các hội đồng thi để thực hiện in, sao đề theo quy định. Tất cả các khâu này đều được bảo mật tuyệt đối, thực hiện dưới sự giám sát của lực lượng công an.

Theo Lao động