Một cậu bé chạy qua những ngôi nhà bằng tre được xây dựng ở vùng ngoại ô thành phố Yangon, Myanmar. Ảnh: AFP

Trong khi các quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bày tỏ cam kết chung thông qua những cam kết quốc gia để hành động và chống lại biến đổi khí hậu, họ cũng đang tập trung vào việc phát triển của mỗi quốc gia.

Chuyên gia kinh tế hàng đầu của công ty GlobalData về ngành công nghiệp xây dựng, ông Daniel Richards cho rằng, sản lượng xây dựng của các quốc gia thành viên ASEAN sẽ tăng trưởng 6% mỗi năm trong vòng 5 năm tới.

Tuy nhiên, lĩnh vực xây dựng chịu trách nhiệm cho 39% lượng khí thải carbon toàn cầu, trong đó 28% đến từ các hoạt động xây dựng (như sưởi ấm, làm mát, chiếu sáng,...), và 11% được cho là do carbon phát thải trong quá trình xây dựng và sản xuất vật liệu. Đáng chú ý, xi măng và thép phát ra lần lượt 8% và 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính trên thế giới.

Bên cạnh đó, Giám đốc Hội đồng Công trình Xanh Thế giới (World GBC), ông James Drinkwater nói thêm, một khi một tòa nhà có lượng phát thải carbon từ vật liệu cao được xây dựng, những phát thải đó sẽ bổ sung vào tổng lượng carbon trong không khí. Ngành xây dựng có thể giảm lượng khí thải carbon bằng cách sử dụng những loại vật liệu có lượng phát thải carbon thấp hoặc bằng không.

Ngoài ra, các kiến trúc sư cũng có thể đóng góp một phần trong quá trình này, với những thiết kế sáng tạo của họ. Họ có thể hạn chế tác động môi trường của những tòa nhà mà họ thiết kế bằng cách giảm lượng khí thải nhà kính. Điều này có thể được thực hiện bằng cách đổi mới với công nghệ và ảnh hưởng đến sự lựa chọn những loại vật liệu được sử dụng.

Cây tre - Một chiến lược giảm thiểu

Mạng lưới Mây tre quốc tế (INBAR) cho rằng, cây tre có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các quốc gia đạt được những mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc (LHQ) và giúp chống lại những tác động của biến đổi khí hậu.

Trên khắp khu vực Đông Nam Á, kiến ​​trúc tre đang ngày càng phổ biến và cây tre đang nhanh chóng trở thành loại vật liệu được lựa chọn đối với các kiến ​​trúc sư. Trong đó, Tờ The ASEAN Post chỉ ra, kiến ​​trúc sư Việt Nam Võ Trọng Nghĩa đã cam kết đưa thiên nhiên trở lại môi trường đô thị thông qua việc sử dụng những loại vật liệu bền vững, đáng chú ý là cây tre. 

Mặc dù tre được chỉ định làm vật liệu cho các kết cấu chịu tải thấp, nhưng nó cũng có khả năng thay thế thép trong xây dựng. Tại thành phố Chiang Mai của Thái Lan, hội trường thể thao bằng tre Panyaden đã giành được nhiều giải thưởng cho việc sử dụng cây tre như một loại vật liệu kết cấu hiện đại.

Trong khi đó, thị trường tre giúp củng cố các chuỗi giá trị địa phương ở những quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, và Indonesia. Tre cũng có giá thấp hơn thép tính theo trọng lượng và có thể cung cấp cơ sở hạ tầng linh hoạt, giá cả phải chăng cho các cộng đồng trong khu vực.

Tuy nhiên, tre có một vài điểm yếu như dễ bị tấn công bởi nấm, bị phồng và go rút. Dù vậy, tất cả đều có thể được khắc phục bằng lớp phủ ngoài và các phương pháp xử lý.

Ngoài ra, tre cũng có thể được sử dụng trong các tòa nhà dân cư và thương mại, như một loại vật liệu làm điểm nhấn hoặc thành phần cấu trúc chính.

Khả năng của cây tre trong việc hấp thụ khí thải carbon từ khí quyển khiến nó trở thành một vật liệu khả thi để làm giảm sự nóng lên toàn cầu. Thế nhưng, ngành công nghiệp xây dựng hiện đang thích sử dụng kính, thép và đá để làm vật liệu hơn. Trong vài năm còn lại để nhân loại làm chậm sự nóng lên toàn cầu, việc lựa chọn những giải pháp thay thế bền vững cho vật liệu xây dựng có thể đóng vai trò rất quan trọng.

Lê Thảo (Lược dịch từ The ASEAN Post)