Du khách đến với bãi tắm Thuận An

Chung tay

Một người khách vào nhà hàng Sao Biển ở bãi tắm Thuận An bảo: “Bán cho tôi 10 lon bia, bỏ vào trong bì chị ơi!”. Người trong nhà hàng đáp: “Không được đâu anh, Ban Quản lý mà phát hiện là quán chúng tôi bị khiển trách, nhiều lần có thể sẽ không được ký hợp đồng kinh doanh ở đây nữa. Anh thông cảm…”.

Cuộc đối thoại trên đã gây sự chú ý cho nhiều người khách trong nhà hàng. Trước lời giải thích có lý có tình, người khách kia phải bỏ ý định ăn nhậu trên bãi tắm. Theo giải thích của chủ nhà hàng, để bảo vệ môi trường biển, chính quyền địa phương đã có quy định bãi tắm chỉ phục vụ tắm và nghỉ mát, du khách muốn tổ chức ăn uống phải đến các bãi cộng đồng. Để thực hiện triệt để vấn đề này, chính quyền địa phương đã ghi rõ những chế tài với các hộ kinh doanh trong biên bản hợp đồng về việc giao mặt bằng các lô quầy tại bãi tắm Thuận An.

Sạch là điều mà nhiều du khách khẳng định sau khi họ đến với bãi tắm Thuận An trong thời gian gần đây. Được biết, năm nay bãi tắm có tổ thu gom rác thải gồm 7 thành viên, với nhiệm vụ dọn vệ sinh dọc bãi biển và các nhà hàng đều đặn mỗi ngày hai buổi, sáng từ 5h đến 6h và chiều từ 16h đến 18h. Anh Nguyễn Hà, Phó trưởng Ban Quản lý bãi tắm Thuận An, khẳng định: “Từng bao ni lông, vỏ chai nhựa, giấy vụn đều được nhặt ngay trong ngày nên ở đây tình trạng rác để lâu ngày hoàn toàn không có”. Cùng với đó, chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp với Đoàn thanh niên thị trấn Thuận An, các đoàn thể, sinh viên các trường đại học tổ chức các hoạt động như: Chung tay làm sạch môi trường biển, Ngày chủ nhật xanh...

Để giải quyết tình trạng người bán hàng rong, ông Hà cho biết thêm, bãi tắm quy định mỗi nhà hàng, quán kinh doanh cho phép 2 hoặc 3 người bán hàng rong phối hợp bán các mặt hàng như bánh lọc, đậu phộng, bánh tráng… nhưng chỉ bán khi khách yêu cầu. Nếu ai vi phạm, chèo kéo, chặt chém khách thì chủ nhà hàng phải có trách nhiệm báo cáo lại để chính quyền địa phương có chế tài xử lý triệt để nhằm bảo vệ hình ảnh du lịch biển địa phương.

Cách làm này của Ban Quản lý bãi tắm Thuận An đã góp phần nâng cao ý thức của mọi người, từ chủ nhà hàng, người bán hàng rong, đến du khách. Từ chỗ tiện tay thả rác xuống bãi biển, một số người đã cúi nhặt những vỏ chai, túi ni lông, giấy vụn… vương vãi bỏ vào những thùng rác hình chim cánh cụt được đặt rãi rác trên bãi biển.

Điểm nhấn từ đá

“Biển đẹp, nhưng chưa có điểm nhấn” - Đó là nhận xét của một du khách mà ông Hoàng Phước, Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An tình cờ nghe được và ghi nhận vào mùa du lịch biển 2018. Sau nhiều lần khảo sát, thấy những tảng đá lớn nằm rải rác ở các đơn vị lữ hành trên địa bàn sử dụng chưa phù hợp, ông Phước nảy ra ý tưởng tập hợp những viên đá này để tạo nét mới cho bãi biển.

Trước đề xuất hợp lý của chính quyền địa phương, các công ty lữ hành đã hưởng ứng và đồng ý cho thị trấn mượn đá để trang trí bãi tắm. Để cẩu hơn 50 tảng đá lớn, nhỏ với nhiều hình dạng khác nhau về bãi tắm Thuận An quả là một khối lượng công việc không hề đơn giản. Sau 2 tuần, 10 “nghệ nhân” nghiệp dư là cán bộ thị trấn và lực lượng làm nhiệm vụ tại bãi tắm cùng nhiều công nhân khuân vác đã làm việc không kể ngày nghỉ, từ sắp đặt, trang trí... để kịp hoàn thành 7 công trình xoay quanh chủ đề “Thuận An đón chào quý khách” đặt trên cả 3 tuyến đường vào bãi tắm trước mùa du lịch biển 2019.

Theo ông Hoàng Phước, công trình xếp đá này, thị trấn chỉ đầu tư chưa tới 50 triệu đồng, chủ yếu là kinh phí khuân vác và sơn vẽ. Dự kiến, thời gian tới thị trấn sẽ xây cổng chào, để tạo thêm điểm nhấn mới cho bãi tắm Thuận An...”

Hướng đến xây dựng thương hiệu về một bãi biển Thuận An sạch, đẹp, văn minh, bên cạnh sự quyết tâm của chính quyền địa phương, cần có sự phối hợp nhiệt tình của các hộ kinh doanh và cả ý thức của mỗi du khách. Qua đó, sẽ phát huy được lợi thế của địa phương về phát triển du lịch biển bền vững.

Bài, ảnh: QUỐC TUẤN