Xung đột và bạo lực đã khiến 41,3 triệu người phải di dời nội bộ hồi năm ngoái. Ảnh: Wikimedia

Sự gia tăng về số người di dời nội bộ (IDPs) cao hơn 1 triệu người so với năm 2017. Điều này cho thấy rằng, có nhiều cuộc khủng hoảng toàn cầu kéo dài hơn, bà Alexandra Bilak, Giám đốc Trung tâm Giám sát Di tản (IDMC) có trụ sở tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ cho biết.

Số người phải di dời ngay trong biên giới của chính họ vượt xa những người di dời sang qua các quốc gia khác, với 25,4 triệu người tị nạn và 3,1 triệu người xin tị nạn trên toàn thế giới vào năm 2017, theo Cao ủy Liên Hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR).

Không giống như những người tị nạn hay người xin tị nạn chờ đợi quyết định về tình trạng tị nạn của họ, những người di dời nội bộ không thể yêu cầu sự bảo vệ quốc tế và thường ít được tiếp cận hơn với viện trợ và chăm sóc y tế.

Cũng theo IDMC, các cuộc xung đột đang diễn ra ở Syria và Cộng hòa Dân chủ Congo, và những căng thẳng leo thang ở Ethiopia, Cameroon và Nigeria đã dẫn đến phần lớn số lượng 10,8 triệu cuộc di tản mới trong năm 2018, liên quan đến xung đột và bạo lực.

Ngoài ra, các thảm họa, phần lớn là những sự kiện thời tiết cực đoan như lốc xoáy và lũ lụt đã buộc 17,2 triệu người phải rời khỏi nhà trong năm 2018, chủ yếu ở Philippines, Trung Quốc và Ấn Độ, mặc dù việc di dời này thường là ngắn hạn, IDMC cho biết thêm.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) nhấn mạnh, nhiệt độ trên toàn thế giới đang trên đường tăng thêm 3-5 độ C đến năm 2100, vượt xa mục tiêu toàn cầu là hạn chế mức tăng xuống 2 độ C hoặc thấp hơn.

Điều đó đang làm gia tăng nguy cơ thời tiết khắc nghiệt, cũng như làm cho tình trạng đói, nghèo và thiếu nước ngày càng trầm trọng, các nhà khoa học lưu ý.

Lê Thảo (Lược dịch từ Reuters)