Sau khi công bố hết dịch, các địa phương cũng cần thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng
Theo đó, ngày 11/5, Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh có biên bản thẩm định về việc công bố hết dịch tả lợn châu Phi tại xã Phong Sơn.
Sau khi công bố hết dịch, các hoạt động chăn nuôi, thú y, giết mổ, vận chuyển tiêu thụ, chế biến trên địa bàn các xã ảnh hưởng bởi dịch được hoạt động bình thường trở lại.
Tuy nhiên, các phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và các đơn vị có liên quan phối hợp với UBND các xã ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo dõi chặt chẽ quá trình chăn nuôi, quản lý chặt chẽ đàn lợn, thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng, giám sát, báo cáo, xử lý kịp thời các trường hợp có lợn mắc bệnh phát sinh. Thực hiện các biện pháp phục hồi sản xuất chăn nuôi sau dịch bệnh…
Trước đó, dịch tả lợn châu Phi đã thâm nhập vào địa bàn tỉnh. Cụ thể, ngày 16 - 22/3, tại xã Phong Sơn xảy ra 2 ổ dịch tả lợn châu Phi tại hộ ông Tạ Hồng Uẩn, thôn Hiền An và trại chăn nuôi lợn rừng của Khu du lịch Nước khoáng Thanh Tân (thôn Công Thành). UBND huyện Phong Điền phối hợp với ngành chức năng đã tiêu hủy 52 con lợn, trong đó có 5 con lợn nái và 47 con lợn rừng.
Ngày 9/4, cơ quan thú y đã lấy mẫu lợn bị bệnh của hộ ông Nguyễn Khóa (xã Phong Sơn) gửi Chi cục Thú y vùng 3 xét nghiệm. Kết quả, mẫu xét nghiệm dương tính với virut dịch tả lợn châu Phi. Sau đó, UBND huyện Phong Điền đã chỉ đạo ngành thú y huyện tiêu hủy 19 con lợn nhiễm bệnh của hộ ông Nguyễn Khóa.
Tin, ảnh: Lê Thọ