Rừng được ví là "lá phổi xanh" của nhân loại. Ảnh: WWF

Rừng là cách hiệu quả nhất để chống biến đổi khí hậu

Có thể nói rằng, bảo vệ và tăng cường các khu rừng thế giới là một trong những hành động khí hậu hiệu quả nhất khi rừng đóng vai trò như các bể chứa carbon, hấp thụ khoảng 2 tỷ tấn CO2/năm. Quản lý rừng bền vững có thể xây dựng khả năng phục hồi và giúp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sắp đạt mục tiêu xoá sổ nạn phá rừng

Tiến trình bảo bệ rừng quốc tế đã đạt nhiều tiến bộ đáng kể trong 25 năm qua. Tỷ lệ phá rừng toàn cầu đã giảm hơn 50% - minh chứng cho những nỗ lực nhằm quản lý bền vững các khu rừng hiện có, đồng thời thực hiện các biện pháp đầy tham vọng để khôi phục rừng và đất bị suy thoái, đồng thời trồng thêm cây xanh để đáp ứng nhu cầu về lâm sản và dịch vụ.

Mục tiêu đưa nạn phá rừng toàn cầu về 0 đã gần đạt được, đưa thế giới tiến gần hơn tới Kế hoạch chiến lược của LHQ về mục tiêu mở rộng diện tích rừng toàn cầu lên 3% vào năm 2030, tương đương diện tích 120 triệu ha.

Vai trò ngày càng tăng của LHQ trong bảo vệ rừng

Lần đầu tiên các vấn đề về rừng đi đầu trong chương trình nghị sự quốc tế là tại Hội nghị thượng đỉnh Trái đất năm 1992 tại Rio. Đây được coi là một trong những hội nghị mang tính bước ngoặt của LHQ khi thông qua Chương trình nghị sự 21, kế hoạch hành động quốc tế quan trọng đầu tiên để đạt được sự phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh vai trò sinh thái, kinh tế, xã hội và văn hóa của cây, rừng và đất rừng.

Tiếp theo đó, nhiều hội nghị quốc tế khác cũng đề cao vai trò của rừng. Để phối hợp tốt hơn các nỗ lực quốc tế trong việc áp dụng các nguyên tắc vào thực tiễn, một hội đồng và diễn đàn liên chính phủ đã được thành lập vào những năm 1990, sau đó được thay thế bằng Diễn đàn Lâm nghiệp LHQ (UNFF), họp hàng năm tại New York để theo dõi tiến trình thực hiện 6 Mục tiêu Rừng Toàn cầu.

Ưu tiên hàng đầu của năm nay: Biến đổi khí hậu và chi phí thực sự của nạn phá rừng

Một trong những điều quan trọng rút ra từ UNFF 2019 là các khu rừng thường xuyên bị định giá thấp, bởi vì rất khó để đưa ra một mức giá tiền tệ rõ ràng cho tất cả những đóng góp tích cực mà nó mang lại cho thế giới. Do đó, chi phí thực sự của nạn phá rừng và suy thoái rừng đã không được tính đến khi các quyết định chính sách được đưa ra đối với việc sử dụng đất.

Ngoài ra, diễn đàn năm nay cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tài chính khi các khoản tài trợ đầy đủ là một yếu tố thiết yếu để đảm bảo việc ngăn chặn nạn phá rừng và suy thoái rừng một cách hiệu quả, thúc đẩy quản lý rừng bền vững hơn và tăng diện tích rừng của thế giới. Dự liệu cho thấy, mặc dù rừng có vai trò trung tâm trong việc bảo vệ môi trường, nhưng chỉ có 2% quỹ dành cho giảm thiểu biến đổi khí hậu được dành cho các nỗ lực giảm nạn phá rừng.

Tố Quyên

(Lược dịch từ UN & Devdiscourse)