Nhiều người sống bằng nghề nhặt rác trong bãi rác Thủy Phương

Xăm mình nhặt rác

Đến bãi rác Thủy Phương, chúng tôi thấy có khoảng 50 người đang nhặt rác tự do và nhiều con bò đang tìm thức ăn. Một người nói: “Mỗi ngày, chúng tôi làm việc gần chục tiếng đồng hồ, mùi hôi thối ngửi hoài cũng thành quen”. Cùng với đó, để tham gia các chiến dịch, như: Làm sạch các dòng sông, Ngày Chủ nhật xanh... nhiều người phải lội xuống nước mới vớt được rác. Trong khi đó, để hạn chế điều này, chỉ cần mỗi người có ý thức không vứt rác bừa bãi.

Trên mọi nẻo đường từ thành phố đến nông thôn, vẫn còn ngổn ngang những đống rác to có, nhỏ có; thậm chí, có những đống rác tồn tại nhiều ngày, nhiều tháng.. Thế nhưng, một người dân đã trả lời rất chân tình: “Một mình tôi ý thức liệu có giảm được chút nào hay không? Hay, còn bị người ta cười cho!”.

Cũng không thể trách người phụ nữ kia. Là người nội trợ, tôi từng có ý thức  phân loại rác, định để riêng các loại túi ni lông, chai nhựa... cho các chị mua, nhặt chai bao; còn rác hữu cơ thì dùng thay phân bón cho các chậu cây cảnh của gia đình. Thế nhưng, các chị chai bao đã lắc đầu và trả lời rất thật: “Rác nhớp lấy về công mô mà giặt!”. Quả tình, dù có ý thức bảo vệ môi trường thì không mấy ai chịu khó giặt rác để cho. Nếu tại các điểm thu gom rác được đặt từ 2 đến 3 thùng rác có ký hiệu nhận các loại rác khác nhau thì việc kêu gọi phân loại rác tại nhà sẽ dễ dàng hơn.

Nhiều năm nay, các hội, đoàn ở một số địa phương đã tổ chức nhiều mô hình hay, như: thu gom rác nhựa nuôi heo đất hỗ trợ người nghèo, đi chợ bằng giỏ xách... Theo tính toán, bình quân mỗi gia đình sử dụng trên dưới 10 túi ni lông/ngày, nếu những cách làm trên được thực hiện rốt ráo thì hiệu quả mang lại rất đáng kể.

Cần sự liên kết  

Tại Phú Vang, Công ty TNHH Hằng Trung là đơn vị chịu trách nhiệm thu gom rác trên địa bàn; bình quân, công ty này thu gom từ 50 đến 70 tấn rác thải/ngày; trong đó, 10% là thức ăn thừa; rác thải có thể làm phân hữu cơ chiếm khoảng 20%; còn lại là rác thải vô cơ.

Anh Trương Đức T., công nhân của công ty, cho biết: “Theo nghề này nhiều năm, tôi bắt gặp không ít những vật dụng từ giày dép, quần áo, tủ bàn, chăn màn đến thức ăn… còn sử dụng được, thậm chí còn rất mới nằm trong đống rác. Những lúc như vậy, tôi mong có điều kiện trưng dụng lại vì chúng đang còn rất hữu ích với nhiều người nghèo”.

Ông Nguyễn Trung, Giám đốc Công ty TNHH Hằng Trung, bày tỏ: “Nếu có sự liên kết từ hộ gia đình đến nơi tái chế thì chuyện rác biến thành "vàng" hoàn toàn nằm trong tầm tay”. Ông Trung phân tích, đầu tiên mỗi người phải bỏ thói quen vứt rác bừa bãi; mỗi hộ gia đình có hai thùng đựng rác và một xô đựng thức ăn thừa để phân loại rác; các điểm thu gom trang bị đủ thùng cho mỗi loại rác khác nhau; các điểm tập kết cũng có cách đón nhận khoa học để đưa rác đến nơi xử lý phù hợp... Rác hữu cơ đưa về nơi sản xuất phân hữu cơ, rác vô cơ đưa về các nhà máy để tái chế ra các sản phẩm từ nhựa; riêng thức ăn thừa, người của công ty sẽ đến tận nhà dân để thu gom và đưa về cơ sở ủ men làm thức ăn gia súc… Được như vậy, chắc chắn rác không còn là vấn nạn của xã hội.

Để xây dựng một bãi tập kết với nhiều hạng mục đáp ứng nhu cầu phân loại rác như mong muốn của ông Trung cần có quỹ đất rộng và nguồn vốn hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu không có sự chung tay của mỗi cá nhân, gia đình đến tập thể thì quy trình xử lý rác sẽ mất rất nhiều công lao động, vốn đầu tư và môi trường ngày càng bị bức tử. Ông Trung cho biết: “Minh chứng rõ nhất là mấy tháng nay, công ty chúng tôi đã theo chân các đơn vị đến các điểm thực hiện phong trào Ngày Chủ nhật xanh để thu gom rác, nhờ rác được phân loại ngay khi nhặt nên hiệu quả thấy rất rõ”.

Để rác biến thành "vàng", mỗi một người hãy cùng chung tay vì đây  là việc làm không khó với bất cứ ai. Hãy bắt đầu từ việc từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN