Một trong những thông tin được dư luận quan tâm là mới đây, Sở Văn hóa-Thể thao và Sở Thông tin - Truyền thông vừa kiến nghị UBND tỉnh ban hành quy trình xử lý đối với các số điện thoại quảng cáo rao vặt sai quy định. Theo đó, những trường hợp vi phạm “chây ì”, không hợp tác trong quá trình xử lý sẽ bị các doanh nghiệp viễn thông cắt số thuê bao di động.

Dù quy trình đang được đơn vị chức năng xây dựng, lấy ý kiến, tiến tới ban hành, áp dụng vào thực tiễn nhưng từ lâu, đây được xem là giải pháp hữu hiệu, căn cơ nhằm chấn chỉnh tình trạng quảng cáo rao vặt sai quy định gây mất mỹ quan đô thị.

Thực tế cho thấy, lâu nay, tình trạng dán quảng cáo rao vặt tràn lan trở thành vấn đề nổi cộm ở đô thị, dù công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân đã được chú trọng. Để làm sạch rác quảng cáo, lực lượng đoàn viên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh... từng nhiều đợt ra quân. Nhưng sau những hoạt động bóc tách, tháo gỡ mất không ít thời gian, công sức của cộng đồng, ngay sau đó, quảng cáo, rao vặt sai quy định lại tràn ngập ở nơi công cộng, từ trụ điện, gốc cây xanh, các bức tường rào... Bộ mặt đô thị bị làm bẩn, người dân bức xúc, báo chí lên tiếng nhưng rác quảng cáo vẫn tràn lan.

Tại hội thảo do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức gần đây nhằm tìm giải pháp quản lý biển hiệu, quảng cáo rao vặt, theo phản ánh từ các địa phương, một trong những tồn tại khiến tình trạng dán quảng cáo, rao vặt sai quy định tràn lan là do những bất cập trong công tác quản lý, chế tài, xử phạt. Đó là khung chế tài xử phạt chưa nghiêm, trách nhiệm xử phạt còn chồng chéo, đùn đẩy.

Tại Thừa Thiên Huế, từng có không ít hội thảo, hội nghị bàn giải pháp chấn chỉnh nạn rác quảng cáo. Bên cạnh yêu cầu đặt ra về việc quy hoạch quảng cáo phải theo kịp nhu cầu, vấn đề xử lý vi phạm từng được bàn đến. Trong đó, việc cắt thuê bao điện thoại đối tượng vi phạm được thể hiện rõ trên các tờ quảng cáo, rao vặt sai quy định được xem là giải pháp căn cơ, hữu hiệu, có sức răn đe cao. Tuy nhiên, để thực hiện phương án xử lý này, cần sự phối hợp giữa cơ quan quản lý văn hóa và các nhà mạng.

Với quy trình mới đang được xây dựng nói trên, hy vọng nút thắt này sẽ được tháo gỡ, khi có sự đồng thuận giữa hai cơ quan chủ quản là Sở Văn hóa-Thể thao, Sở Thông tin-Truyền thông và sự vào cuộc quyết liệt của các doanh nghiệp viễn thông trong công tác giám sát, kiểm tra, xử lý.

Cũng như rác thải sinh hoạt, việc giải quyết rác quảng cáo cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng trong nỗ lực xây dựng thành phố Huế xanh-sạch-sáng.

Đi đôi với tuyên truyền nâng cao nhận thức, đã đến lúc, hành vi xả rác, dù dưới hình thức nào, cũng cần có biện pháp chế tài đủ sức răn đe, để không tái hiện thực cảnh: Người này xả, người khác dọn.

Nhật Nguyên