Trung tâm hợp tác đào tạo giữa Công ty HBI và Trường cao đẳng Công nghiệp Huế. Ảnh: Trường CĐCN

Đào tạo theo yêu cầu thị trường

Sau khi tốt nghiệp THPT, Dương Minh Hoàng đăng ký khóa đào tạo công nghệ thông tin theo chương trình liên kết giữa Công ty Sun Asterik (Công ty của Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, có trụ sở tại Đà Nẵng) và Trường cao đẳng Công nghiệp Huế. Ngoài được tiếp cận với chương trình học chuẩn, sát với thực tế của thị trường, điều Hoàng học được nhiều nhất là phong cách và kinh nghiệm làm việc trong môi trường DN. Hoàng chia sẻ: “Từ những bỡ ngỡ ban đầu khi chưa định hình được cần học những gì, nhờ cọ xát với điều kiện làm việc thực tế ở công ty, em đã tiến bộ nhanh hơn, nắm bắt được quy trình triển khai các dự án, tự tin khi làm việc nên cơ hội xin việc làm cũng dễ hơn”.

Hoàng là một trong 30 sinh viên của khóa đầu tiên theo mô hình hợp tác đào tạo này. Bắt đầu từ năm 2016, đến nay, lớp của Hoàng chuẩn bị ra trường. Tất cả sinh viên đáp ứng được chương trình đào tạo này sẽ được nhận vào làm việc tại Công ty Sun Asterik. Nếu có những cơ hội khác tốt hơn, các bạn sinh viên vẫn có thể lựa chọn mà không chịu sự ràng buộc nào từ phía công ty.

Với chương trình đào tạo liên kết này, giảng viên Trường cao đẳng Công nghiệp Huế và chuyên gia của Công ty Sun Asterik cùng xây dựng chương trình đào tạo vừa phù hợp với khung chương trình, cơ sở vật chất của trường, vừa đáp ứng đầu ra của công ty và năng lực của người học. Giáo viên giảng dạy được cử vào công ty tập huấn trên nền trang thiết bị và công nghệ của công ty. Mỗi kỳ học, công ty cử người đến trường phối hợp giảng dạy, phỏng vấn trực tiếp sinh viên để kiểm tra mức độ tiếp thu kiến thức, trên cơ sở đó điều chỉnh phương pháp giảng dạy. Vào năm học thứ hai và thứ ba, sinh viên được tiếp cận với mô hình thực tế, tham gia một số dự án của DN và được DN chấm điểm.

Sinh viên Khoa Công nghệ thông tin học theo chương trình liên kết với Công ty Sun Asterik tham gia một dự án lập trình

Theo ông Hoàng Nhạc Trung, Quản lý đào tạo Công ty Sun Asterik, chi phí công ty bỏ ra ban đầu khá lớn, nhưng khi chuyển giao thành công cho 1-2 thế hệ sinh viên đầu tiên, nhà trường có thể áp dụng đào tạo với các khóa tiếp theo. Đây là chiến lược đầu tư lâu dài, không chỉ vì lợi ích của DN mà cả cộng đồng.

TS. Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế cho hay: “Với chương trình liên kết này, giảng viên cũng phải đáp ứng được các tiêu chí đào tạo của công ty. Khi giảng viên đi cập nhật kiến thức, công nghệ tại DN, có thể nắm bắt xu hướng DN cần, những kiến thức thực tế, bài tập thực hành, dự án liên quan về dạy cho sinh viên, không chỉ một khóa mà nhiều thế hệ. Sinh viên cũng rất hào hứng vì các em được học theo dự án chứ không chỉ học lý thuyết, có thể tham gia làm dự án một cách bài bản, tiếp cận các kỹ năng làm việc”.

Các bên đều lợi

Để rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tế công việc, từ năm 2015, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế áp dụng mô hình đưa DN về trường. Đầu tiên là phối hợp với Công ty Yamaha mở Trung tâm đào tạo sửa chữa xe máy. Theo sự phối hợp này, trường hỗ trợ cơ sở vật chất, mặt bằng; phía Yamaha tài trợ toàn bộ thiết bị, xe máy. Khi có các dòng xe máy mới xuất hiện trên thị trường, Yamaha sẽ gửi một phiên bản về Trung tâm đào tạo Yamaha. Hàng năm, nhà trường cũng cử giáo viên đến các trung tâm đào tạo của Yamaha để cập nhật những kiến thức mới.

Mô hình liên kết tương tự cũng được nhà trường phối hợp với Công ty HBI. Trung tâm đào tạo sửa chữa máy may và Trung tâm đào tạo may công nghiệp đặt tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế đã đào tạo sơ cấp nghề cho hàng trăm lao động. Với các mô hình liên kết này, công ty cam kết sẽ nhận học viên sau khi tốt nghiệp nhưng không ràng buộc tất cả các học viên đều phải làm việc tại công ty. Nếu học viên về làm tại các công ty này sau khi ra trường, sẽ được hoàn lại 100% học phí.

Ông Trần Hữu Châu Giang, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Huế cho biết: “Với quan điểm mang DN đến gần hơn với nhà trường thông qua phối hợp đào tạo, mô hình liên kết này góp phần cung ứng nguồn nhân lực, giảm khoảng cách giữa đào tạo và thực tế. Ra trường, các học viên, sinh viên có thể bắt tay vào làm việc ngay và DN không phải tốn công đào tạo lại”.

Với việc hợp tác đào tạo này, cả nhà trường, DN và người học đều có lợi. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phần lớn không đủ điều kiện tài chính để trang bị đầy đủ phương tiện máy móc hiện đại nhất, sự phối hợp này giúp nhà trường trang bị máy móc bắt kịp với xu thế của thời đại, các giảng viên được cập nhật kiến thức thực tế sản xuất trên thị trường. DN có nguồn cung ứng nhân lực dồi dào có thể sử dụng ngay, không tốn thời gian và chi phí đào tạo lại. Người học được tiếp cận công nghệ mới, kiến thức thực tế, môi trường làm việc từ DN, quan trọng nhất là ra trường có việc làm ngay.

Bài, ảnh: Minh Hiền