Hoạt động thể chất giúp ngăn ngừa chứng mất trí nhớ. Ảnh: Straits Times

Ngừng hút thuốc, có chế độ ăn uống lành mạnh và tránh sử dụng đồ uống có cồn có hại cũng là một trong những khuyến nghị của báo cáo của WHO, có tiêu đề: "Giảm nguy cơ suy giảm nhận thức và chứng mất trí nhớ".

Bên cạnh đó, điều trị tăng huyết áp, cholesterol cao và tiểu đường cũng làm giảm nguy cơ, báo cáo cho biết thêm.

Bà Neerja Chowdhary, một chuyên gia của WHO nói thêm, nghiên cứu này không xem xét việc hút cần sa và không bao gồm các yếu tố môi trường, mặc dù có một số bằng chứng về mối liên hệ với sự ô nhiễm.

Ngoài ra, vitamin và thực phẩm bổ sung không hữu ích trong việc ngăn ngừa chứng mất trí nhớ, và thậm chí có thể gây hại nếu dùng liều cao.

Chứng mất trí nhớ ảnh hưởng đến khoảng 50 triệu người trên toàn cầu, với gần 10 triệu trường hợp mắc mới chứng mất trí nhớ hàng năm, một con số được dự báo sẽ tăng gấp 3 lần đến năm 2050.

Trong khi đó, chi phí chăm sóc bệnh nhân mất trí nhớ được dự báo ​​sẽ chạm ngưỡng 2 nghìn tỷ USD đến năm 2030, trợ lý của Tổng giám đốc WHO, ông Ren Minghui viết trong báo cáo.

"Mặc dù không có cách điều trị bệnh mất trí nhớ, việc quản lý chủ động các yếu tố nguy cơ có thể trì hoãn hoặc làm chậm lại sự khởi phát hoặc tiến triển của căn bệnh này", ông Ren Minghui nhận định.

Thanh Ngân (Lược dịch từ Reuters & Straits Times)